Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến 20/5 đạt 4,26%
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng đối với nền kinh tế đến 20/5 tăng 4,26% so với cuối năm 2014.
Kết quả cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên cụ thể như sau: Dư nợ cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 5/2015 tăng 7,17% so với 31/12/2014.
Dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại (theo số liệu Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (NHNN) cung cấp đến cuối tháng 2/2015): Cho vay lĩnh vực xuất khẩu tăng 1,87%; cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 20,79%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giảm 2,04% và doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,45% so với cuối năm 2014.
Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Lãi suất đầu vào giảm là cơ sở để các TCTD cân nhắc giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay, mặc dù với mức độ thận trọng hơn.
Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.