Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,6% đến 2/7
Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm, theo ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) là do năng lực hấp thụ vốn suy giảm. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu xuất phát từ khu vực xuất khẩu và FDI trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn, năng suất thấp.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 6, tín dụng ngoại tệ tăng tới 10%, trong khi huy động tiền gửi ngoại tệ tăng trưởng âm. Cùng thời điểm này của năm trước, tốc độ tăng tín dụng ngoại tệ âm 16,53%. Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tỷ lệ cho vay trên huy động vốn ngoại tệ đang gần đạt tới mức 100%, thay vì chỉ hơn 80% trước đó.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), diễn biến ngoài thị trường cho thấy, thời gian gần đây các doanh nghiệp nhà nước lớn rút ngoại tệ các ngân hàng để phục vụ chu kỳ kinh doanh mới. Khi tín dụng VNĐ chưa có đột phá, tín dụng ngoại tệ tăng được coi là điều đáng mừng.
Đáng bàn là, hơn 2 năm nay NHNN đang từng bước thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ (như thu hẹp dần đối tượng được phép vay ngoại tệ, giảm giới hạn trạng thái của các tổ chức tín dụng, tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng ngoại; Các ngân hàng thương mại được yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh các qui định về quản lý ngoại tệ, và giao dịch ngoại hối).
Như vậy, với thực tế tín dụng ngoại tệ tăng sốc trong khi tín dụng tiền đồng đứng im cho thấy quy mô tài sản có ngoại tệ và tài sản nợ ngoại tệ trong hệ thống tổ chức tín dụng lớn. Các mức lãi suất điều hành và lãi suất huy động VNĐ vẫn chưa ở mức phù hợp để đảm bảo để khuyến khích xu hướng vay VNĐ.
Nguồn Theo DVO