"Tăng trưởng tín dụng năm 2013 không dưới 10%"
Theo đó, TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng, Việt Nam khó đạt được mục tiêu về tăng trưởng kinh tế 5 năm (2011 – 2015) ở mức từ 7 - 7,5% do bối cảnh kinh tế hiện nay đã thay đổi; và yếu tố nội tại của nền kinh tế có những khó khăn mà chúng ta chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.
Về chỉ số CPI năm 2013 ở mức 8%, ông Ngoạn cho rằng, nếu không có những cú sốc từ bên ngoài, chúng ta có thể kiểm soát được lạm phát ở dưới mức đó. Chúng ta phải đề ra sự cần thiết và cần phải cố gắng đưa lạm phát xuống thấp hơn nữa.
Cũng theo ông Ngoạn, mục tiêu của chúng ta trong năm 2013 là tổng vốn đầu tư xã hội vào khoảng 30% GDP và nếu có điều kiện thì tăng cao hơn. Trong điều kiện hiện nay, kể cả vốn đầu tư phát triển bằng NSNN, trái phiếu Chính phủ, tín dụng ưu đãi của Nhà nước, cùng vốn đầu tư nước ngoài thì tổng cộng chỉ khoảng 50% - 60% tổng vốn.
Như vậy 40% còn lại là vốn dân doanh. Mà nguồn vốn này chủ yếu là từ kênh tín dụng. Cho nên, để đảm bảo được mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội mức độ 30% GDP hay hơn nữa thì tăng trưởng tín dụng năm 2013 phải không dưới 10%.
Ông cũng cho rằng các TCTD phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để tập trung xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, cần có giải pháp chung và kinh nghiệm của các nước là thành lập Công ty xử lý nợ xấu. Mục tiêu trong 2 – 3 năm tới là đưa nợ xấu về dưới 3% thì số tiền đưa ra xử lý nợ là đáng kể.
Tuy nhiên, cần lưu ý, việc xử lý nợ phải gắn với tái cơ cấu ngân hàng để ngăn ngừa tình trạng nợ xấu phát sinh sau này. Ông khẳng định, không thể bỏ lượng tiền lớn ra để cơ cấu lại nợ xấu, nhưng sau 5 - 7 năm nữa nợ xấu lại tiếp tục phát sinh thì không thể chấp nhận được.
Ông Ngoạn nói thêm rằng, muốn tăng nhu cầu của nền kinh tế phải tăng đầu tư, mở rộng thêm các dự án. Để giải quyết vấn đề này một cách nhanh nhất, thì chính sách tài khóa phải nới thêm một chút bằng cách phát hành trái phiếu công trình để đầu tư cho hạ tầng cơ sở. Vì hiện lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ trọng 10% GDP.
Như vậy, phát hành trái phiếu công trình có ý nghĩa lớn góp phần tăng tổng cầu nền kinh tế, qua đó giải quyết hàng tồn kho. Đặc biệt, càng ý nghĩa hơn là tập trung vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản để tháo gỡ điểm nghẽn nền kinh tế.
Nguồn Thời báo Ngân hàng