Thứ Sáu | 14/09/2012 17:16

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 7/9 đạt 1,82%

Con số trên do TBTKSG dẫn theo số liệu Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Một số ngân hàng lớn có tăng trưởng tín dụng âm hoặc rất thấp. Tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) qua 8 tháng vẫn âm, trong khi ở Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) là 2% so với cuối năm 2011.

Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 chiều 5/9, tính đến ngày 20/8, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 20/8 ước tăng 1,4% so với 31/12/2011.

Trước đó, tính đến hết tháng 7, dư nợ tín dụng với nền kinh tế tăng khoảng 1,02% so với cuối năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong văn bản trả lời đại biểu Quốc hội.


Bên cạnh đó, cũng có vài ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá cao. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) qua 8 tháng đầu năm dư nợ tín dụng đã tăng 13,5%, rất cao so với mặt bằng chung của hệ thống. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng trưởng 10%. Song, đáng lưu ý nếu không tính phần dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, thì dư nợ cho vay tổ chức, cá nhân ở các ngân hàng này đều giảm.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), qua 8 tháng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 7,2% trong khi tăng trưởng tiền gửi là 13%, gây sức ép lên lợi nhuận thuần của ngân hàng này.

Cơ cấu tín dụng đã có sự thay đổi. Ở các ngân hàng quốc doanh, chủ yếu là BIDV và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên tăng mạnh, chiếm khoảng 45% trong tổng dư nợ và tăng trưởng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Ở hầu hết các ngân hàng, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm mạnh.

Ngoài ra, các khoản cho vay mới không nhiều. Ở một ngân hàng quốc doanh hiện có thị phần tín dụng 11%, tổng dư nợ đã được xử lý, cơ cấu lại chiếm tới hơn một nửa. Thị phần tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần đang có xu hướng sụt giảm trong khi thị phần tín dụng của khối ngân hàng thương mại quốc doanh tăng lên, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất (47,6%) trong tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống và tăng 1,5% so với đầu năm.

Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng, kế hoạch đạt dư nợ tín dụng 8 - 10% của Chính phủ đặt ra đến giờ này là không khả thi.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện