Tăng trưởng tín dụng đến 23/10 đạt 6,48%
Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,49%, 10 tháng tăng 5,14%, là mức tăng thấp trong 10 năm qua.
Dư nợ tín dụng đến 23/10 ước tăng 6,48%, so với mục tiêu cả năm của Ngân hàng Nhà nước là 12%. Mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Hiện nay, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 7% -9%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 9-11,5%/năm (ngắn hạn) và 11,5% - 13%/năm (trung hạn và dài hạn). Những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh được vay với lãi suất từ 6,5% - 7%/năm.
Xuất khẩu 10 tháng ước đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2012; nhập khẩu ước đạt 108,16 tỷ USD, tăng 15,2%. Nhập siêu khoảng 187 triệu USD, bằng 0,17% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký 10 tháng ước đạt trên 19,23 tỷ USD, tăng 65,6%; vốn thực hiện ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%. Giải ngân vốn ODA 10 tháng ước đạt 3,58 tỷ USD.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, đến 15/10 ước đạt 70,1% dự toán; chi NSNN đạt 73,5% dự toán.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,9%; 10 tháng tăng 5,4%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, nhưng vẫn ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,6% (loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,5%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4%.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ; có khoảng 11,75 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, đạt 79,2% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc; dư nợ tín dụng tăng chậm; nợ xấu còn cao. Sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Tổng cầu và sức mua còn yếu. Thu ngân sách đạt thấp.
Thời gian còn lại của năm không nhiều, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo điều hành quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, tạo đà cho năm 2014 – 2015, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Kiên trì, nhất quán, không chủ quan trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư xã hội, tăng dư nợ tín dụng, xử lý nợ xấu. Phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 5,4%.
Bộ Tài chính, các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt, làm tốt nhiệm vụ thu ngân sách, phấn đấu đạt kế hoạch; chống thất thu, nợ đọng, gian lận thuế, đặc biệt là hoàn thuế VAT, đồng thời triệt để tiết kiệm chi, rà soát, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết.
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn giá lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm và dịp Tết. Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Nguồn Dân Việt