Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 4 vẫn âm 0,66%
Tín dụng giảm là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế những tháng đầu năm tăng trưởng thấp (quý I chỉ tăng trưởng 4%), đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% của năm 2012, dẫn tới hàng loạt nguy cơ mất việc làm và an sinh xã hội.
Dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, sự suy giảm này không nằm ngoài dự đoán và phải chấp nhận sự đào thải doanh nghiệp. Tuy nhiên, với hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, trong đó có cả những doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu... là dấu hiệu bất thường của nền kinh tế.
Trong bối cảnh này, nên chăng Chính phủ cần gấp rút xoay chuyển định hướng chính sách, tập trung ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế?
Thực tế, trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ đã thể hiện sự chuyển hướng ở chỉ đạo: tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho tiêu thụ sản phẩm. Hai động tác đầu tiên của sự chuyển hướng này là tung ra gói hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng và áp trần lãi suất cho vay với 4 lĩnh vực ưu tiên.
Được đánh giá tích cực, nhưng những động thái trên chưa đủ sức cứu doanh nghiệp. Đặc biệt, trần cho vay đã có, song số doanh nghiệp được tiếp cận vốn ưu đãi lại chưa được bao nhiêu.
Vì vậy, để tăng cường niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, ngoài giảm lãi suất, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh tay hơn để bơm vốn ra thị trường thông qua các biện pháp như hạ nhanh lãi suất, mạnh tay mua lại các khoản nợ, đứng ra bảo lãnh một số doanh nghiệp để ngân hàng đẩy mạnh cho vay...
Về phía Ngân hàng Nhà nước, trước khi tính đến việc mở rộng đối tượng áp trần lãi suất cho vay, phải đảm bảo chính sách hiện nay có hiệu lực, không để trần lãi suất cho vay chỉ nằm ở chủ trương, chính sách. Các ngân hàng cũng phải công khai các tiêu chí cho vay, doanh nghiệp trên căn cứ đó để vay vốn...
Nguồn Báo Đầu tư