Tín dụng của các ngân hàng chậm lại đáng kể. Ảnh: Thiên Ân
Tăng trưởng tín dụng chậm dần
Tín dụng năm 2018 ở các ngân hàng đã tăng trưởng chậm lại đáng kể, trong bối cảnh các ngân hàng vẫn báo lãi đều đặn, nhưng lãi suất lại có xu hướng tăng lên vào cuối năm.
Mục tiêu khó đạt
Tín dụng tăng chậm lại cũng là một xu hướng đáng chú ý kể từ đầu năm đến nay, khi hàng loạt ngân hàng báo cáo tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại đáng kể so với cùng kỳ. Tính đến ngày 20.9, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đạt 9,52% so với thời điểm đầu năm (thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước, lần lượt là 10,46% và 11,02%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng thương mại đạt 9,15%, cũng thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước. Tín dụng chịu nhiều áp lực tăng chậm lại từ giữa đầu năm đến nay. Trong quý III vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ra Chỉ thị 04, định hướng kiểm soát chặt tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro như bất động sản hay cho vay theo mô hình BOT.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% năm 2018 xem ra khó đạt được. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng vượt xa chỉ tiêu, nên các ngân hàng thương mại không còn chịu áp lực phải bơm tiền ra để kích thích nền kinh tế.
Một khảo sát của Vụ Thống kê Tín dụng gần đây cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng dư nợ của hệ thống tăng trưởng 4,52% trong quý IV và tăng 15,22% trong năm 2018. Mức tăng trưởng này thấp hơn so với con số dự kiến đưa ra hồi đầu năm.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI thậm chí còn dự báo tín dụng năm sau sẽ tăng trưởng chậm hơn năm nay. Điều này liệu có ảnh hưởng đến lợi nhuận các ngân hàng? “Triển vọng tăng trưởng tín dụng không mấy khả quan đối với các ngân hàng quốc doanh chậm tăng vốn, bao gồm một số ngân hàng lớn trong nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank... Sự chậm trễ trong việc huy động vốn không chỉ làm giảm tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng nói riêng, mà của cả hệ thống nói chung”, SSI nhận định về tổng quan thị trường trong năm sau.
Ngược đường báo lãi
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, với các ngân hàng đã đáp ứng về tỉ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 trước thì ngay từ đầu năm 2019 sẽ được cấp chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các mức về tăng trưởng tín dụng khác nhau cho các ngân hàng. Đặc biệt với các ngân hàng đáp ứng được Thông tư 41 như VIB và Vietcombank thì sẽ có chỉ tiêu cao hơn số còn lại.
Tín dụng tăng trưởng chậm nhưng các ngân hàng lại báo lãi lớn, đi ngược với truyền thống từ trước đến nay. Thống kê từ 26 ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính quý III/2018 ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67.000 tỉ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, trong đó 16/26 ngân hàng tăng trưởng trên 41%. Trong khi đó, SSI dự báo kết quả của các ngân hàng sẽ tích cực hơn con số ước tính hồi đầu năm, với nhiều ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận hơn 100% so với cùng kỳ như ACB, VIB, OCB, TPBank hay Eximbank.
Theo SSI Research, động lực tăng trưởng ngoài các nguồn thu chính như thu nhập từ lãi thuần, phí dịch vụ (phí bancassurance tăng rất mạnh ở nhiều ngân hàng), còn có nguồn thu nhập từ nợ xấu đã xóa (tác động của Nghị định 42 và các chính sách hỗ trợ khác), thu nhập từ đầu tư chứng khoán.
Thêm nữa, chi phí tín dụng dự phòng giảm mạnh ở nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng đã hoàn thành trích lập dự phòng cho trái phiếu Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Cho dù tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thấp hơn kế hoạch, ảnh hưởng đến một phần thu nhập lãi thuần, nhưng điều an ủi là tỉ suất lợi nhuận của ngân hàng sẽ được tăng lên. Theo SSI Research, tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) ở nhiều ngân hàng được cải thiện nhờ gia tăng cho vay bán lẻ và vay tiêu dùng, hay các hoạt động dịch vụ như bancassurance, thẻ tín dụng, ứng dụng giao dịch trực tuyến.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự kiến tỉ trọng của thu nhập từ phí trên tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng từ mức 8% năm 2017 lên mức 13% vào năm 2022. Tuy nhiên, SSI cũng ghi nhận một hiện tượng đáng chú ý. Nếu như trong năm 2018, các ngân hàng đã và đang từng bước nỗ lực giải quyết nợ xấu trong quá khứ, thì nợ xấu mới vẫn hình thành liên tục.
Tuy nhiên, các khoản nợ xấu trước đây liên quan đến hoạt động đầu cơ, kinh doanh ngoài ngành và đầu tư kém hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu ngày nay được hình thành nên từ các khoản đầu tư tư nhân và tiêu dùng hộ gia đình. “Chúng tôi cho rằng nợ xấu sẽ ở mức cao nhất tại các ngân hàng tích cực mở rộng cho vay tài chính tiêu dùng, vốn có đặc thù rủi ro cao và ở mức thấp hơn tại các ngân hàng có tiêu chí cho vay cao hơn đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp”, SSI nhận định.
Nhìn về năm 2019, chênh lệch giữa huy động và cho vay cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến lãi suất bị đẩy lên trong quý III vừa qua, bên cạnh những diễn biến bất thường trên thế giới, lãi suất đồng USD tiếp tục có xu hướng tăng và việc Ngân hàng Nhà nước bán ra ngoại tệ bình ổn tỉ giá. Các ngân hàng quốc doanh thậm chí cũng vào cuộc, nâng lãi suất huy động lên theo trong cuộc đua với các ngân hàng tư nhân. Đáng chú ý nữa là lãi suất huy động kỳ hạn mốc 12 tháng ở 2 nhóm ngân hàng hầu như đã suýt soát nhau