Tăng trưởng tín dụng 12% có khả thi?
Nếu cần một từ để miêu tả hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng trong năm 2012, "nghẽn mạch" có lẽ sẽ là từ được nhiều người nghĩ tới nhất. Sau mức tăng trưởng tín dụng chưa đạt nổi 9% của năm ngoái, chỉ tiêu của toàn hệ thống cho năm 2013 tiếp tục được đưa ra ở mức khiêm tốn - 12%, đi kèm là những chính sách nhằm nới lỏng van tín dụng, từng bước giải quyết sự "nghẽn mạch" của dòng tiền.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực: "NHNN cũng đã có một số chính sách để nới lỏng tín dụng như không còn thắt chặt đối với những lĩnh vực phi sản xuất. Bất động sản cũng đã có những gói hỗ trợ cho những phân khúc nhất định...".
Vậy liệu trong hoàn cảnh hiện tại, con số tăng trưởng 12% của toàn ngành ngân hàng có khả thi? Mỗi ngân hàng thành viên lại có những nhận định khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Oceanbank nói: "Trong lúc khó khăn, ngân hàng biết chắt lọc, biết chọn lựa khách hàng thì chắc chắn con số 12% tăng trưởng tín dụng của toàn ngành sẽ đạt được."
Ông Lê Quang Trung, Quyền Tổng giám đốc VIB phân tích: "Nền kinh tế vẫn chưa hồi phục và tổng cầu của nền kinh tế vẫn đang nằm ở mức rất thấp, để nói tăng trưởng trên hai con số thì tôi nghĩ rất khó".
Một dấu hiệu khác khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại về tính khả thi của mức chỉ tiêu năm nay, đó là vì ngay trong tháng 1 vừa qua, tăng trưởng tín dụng lại rơi xuống mức âm hơn 1%. Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng, rất có thể kịch bản tăng trưởng tín dụng của năm 2012 sẽ tái diễn khi mà dự báo phải chờ đến sau quý II, tiền mới được xả mạnh ra nền kinh tế.
"Nếu tốc độ phản ứng của chính sách cũng như khả năng thực thi phối hợp của chúng ta tốt thì có khả năng cuối năm sẽ tăng nhanh và bám nút 12%. Còn nếu không, khả năng nó không vận hành được nhanh, phối hợp không chặt chẽ thì chắc chắn là dưới 1 con số, tức là khoảng 10% trở lại", ông Cao Sĩ Kiêm nói.
Cũng theo ông Kiêm, cuộc chạy đua về lượng để đạt được một hay hai con số phần trăm tăng trưởng hiện cũng không còn nhiều ý nghĩa đối với các ngân hàng, mà là cuộc cạnh tranh về chất để mỗi đồng vốn có thể tìm được đến đúng địa chỉ của nó.
Trong những ngày đầu năm mới, nhiều chương trình thu hút khách hàng gửi tiền có thể được nhìn thấy ở hầu khắp các ngân hàng. Tuy nhiên huy động được càng nhiều thì áp lực tìm đầu ra cho mỗi đồng vốn lại càng lớn và các ngân hàng hiểu rằng, chỉ có cạnh tranh để tìm được đầu ra tốt thì họ mới có thể tìm được lợi nhuận của mình.
Nguồn VTV