Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2018 sẽ đạt mức cao nhất trong 7 năm qua
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2018 có thể đạt mức cao nhất trong 7 năm qua. Tuy nhiên, nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại sau khi Mỹ áp mức thuế mới lên nhôm, thép nhập khẩu có thể sẽ gây tổn hại đến "sức khỏe" nền kinh tế toàn cầu. Đó là thông tin từ báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018.
Nhận định khả quan của OECD về "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu xuất phát từ kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng tốt sau gói cắt giảm thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2018. Trong bối cảnh đó, OECD cho rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm nay, thay vì 3 lần như dự kiến.
Cùng với Mỹ, các nền kinh tế trong nhóm Eurozone như Pháp và Đức cũng được dự báo có tốc độ tăng trưởng tốt nhờ chính sách tài khóa nới lỏng, cải cách thuế và phúc lợi xã hội. Trong khi đó, Anh là nền kinh tế duy nhất trong nhóm G20 sẽ không theo xu hướng đi lên của kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ lạm phát cao cùng với lo ngại về tương lai quan hệ với EU sau Brexit khiến kinh tế Anh được dự báo chỉ tăng 1,3% trong năm 2018.
Mặc dù lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2018, song OECD cũng quan ngại rằng kinh tế toàn cầu sẽ dễ bị tổn thương bởi căng thẳng thương mại sau khi Mỹ áp mức thuế mới đối với nhôm, thép nhập khẩu. Châu Âu và nhiều quốc gia khác như Trung Quốc cảnh báo sẽ có biện pháp trả đũa chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong báo cáo mang tên "Triển vọng kinh tế toàn cầu" công bố cuối tháng 2, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tất cả các khu vực trên thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng cải thiện.
Cụ thể, ba nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản dự báo có mức tăng trưởng vững mạnh, trong khi các nền kinh tế mới nổi có sự cải thiện tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì ở mức 3,1% trong năm nay và 3% năm 2019. Trong đó, các nền kinh tế phát triển có mức tăng lớn nhất, lên tới 2,3% năm ngoái và 2,2% năm 2018.
Tuy nhiên, WB kêu gọi các nước cần tiến hành đầu tư để cải thiện triển vọng tăng trưởng, nhất là vào hạ tầng cơ sở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cũng như khuyến khích thêm người dân, đặc biệt là phụ nữ tham gia lực lượng lao động.