Số liệu nhập khẩu cho thấy lĩnh vực sản xuất hàng điện tử có thể cải thiện trong các tháng tới. Ảnh: Quý Hòa.
Tăng trưởng kinh tế quý III/2023 ước đạt 4,5%
Nhu cầu đối với hàng hoá sản xuất của Việt Nam đã tích cực hơn quý trước, thể hiện qua việc số lượng đơn đặt hàng mới, đơn hàng xuất khẩu và sản lượng tăng lần đầu trong sau một thời gian giảm kéo dài, theo báo cáo quản trị mua hàng của S&P Global. Cùng với yêu cầu sản xuất cải thiện, hoạt động mua hàng tăng đáng kể nhất từ tháng 9/2022, tồn kho hàng mua tăng tháng thứ hai liên tiếp.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dù cho thấy sự phục hồi tuy nhiên mức độ hồi phục cũng tương đối chậm, biểu hiện qua thời kỳ giảm việc làm kéo dài liên tục trong 6 tháng hay tồn kho hàng thành phẩm tăng tháng thứ hai liên tiếp. Xu hướng cải thiện trong hoạt động sản xuất tại Việt Nam cũng tương đồng với 3 quốc gia khác ở khu vực ASEAN là Indonesia, Myanmar và Singapore, trái ngược với sự suy giảm tại Thái Lan, Malaysia và Philippines. Mức cải thiện của cả khu vực ASEAN là chậm khi PMI của khu vực tăng lên mức 51 điểm trong tháng 8, so với mức 50,8 điểm trong tháng 7. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn tháng trước, tăng lần lượt 2,87% so với tháng 7 và 2,62% so với cùng kỳ. Đáng khích lệ là tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao hơn mức tăng chung, lần lượt là 4,5% so với tháng 7 và 3,5% so với cùng kỳ. Các ngành tăng trưởng mạnh theo tháng là sản xuất máy móc, thiết bị, xe có động cơ và sản phẩm điện tử, máy vi tính.
Trong khi đó, những ngành tăng trưởng cao so với cùng kỳ gồm có sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất hoá chất, cao su, kim loại và giường, tủ, bàn ghế. Những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, thuỷ sản, điện tử, gỗ vẫn chưa cho thấy sự phục hồi cả về chỉ số sản xuất và sản lượng so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, số liệu nhập khẩu cho thấy lĩnh vực sản xuất hàng điện tử có thể cải thiện trong các tháng tới khi nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng này đã tăng tốc trong 3 tháng trở lại đây. Ước tính mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy nhập khẩu của nhóm hàng này tăng 9,4% so với tháng trước và chỉ giảm 2,1% so với cùng kỳ.
“Xu hướng lĩnh vực bán lẻ diễn biến như kỳ vọng của chúng tôi khi tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này giảm dần trong quý III. Điểm tích cực là tốc độ giảm đã được hãm lại phần nào nhờ hiệu lực của chính sách tài khoá và tiền tệ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trong nửa đầu năm là 10,9%, hiện đã giảm còn 10,0% trong 8 tháng đầu năm 2023.
Điểm cần lưu ý là tăng trưởng khá thấp của nhóm dịch vụ khác, chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ trong tháng 8. Thông thường, tăng trưởng thấp của nhóm này thường gắn với sự suy yếu của tổng cầu nên việc tăng trưởng thấp của nhóm dịch vụ khác trong tháng 8 là chỉ báo cần quan sát thêm”, VDSC nhìn nhận.
Về tổng thể, hoạt động sản xuất công nghiệp tốt hơn so với hai quý đầu năm, trong khi bán lẻ tăng trưởng chậm lại ở mức độ vừa phải. Dựa trên xu hướng hoạt động sản xuất công nghiệp và bán lẻ trong hai tháng gần nhất, VDSC ước tính tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt 4,5%, cao hơn mức tăng 4,1% của quý II. Luỹ kế ba quý đầu năm, tăng trưởng kinh tế ước đạt 4,0%. Rủi ro trong dự báo sẽ nghiêng về chiều hướng tăng cao hơn nếu hoạt động kinh tế trong tháng 9 tích cực hơn kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm