Tín dụng tại các ngân hàng cho vay cá nhân ghi nhận giảm/chậm lại so với đầu năm. Ảnh: Quý Hòa.

 
Nhật Anh Thứ Hai | 15/05/2023 17:07

Tăng trưởng huy động tại các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt

Khách hàng cá nhân có xu hướng tăng gửi tiết kiệm, trong khi đó tiền gửi khách hàng doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm đáng kể cùng thời điểm.

Cuối quý I/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ tăng 2,1% so với đầu năm (thấp hơn đáng kể so với mức 5-6% các quý cùng kỳ trước). Các ngân hàng thương mại có tỉ trọng cho vay doanh nghiệp lớn đã đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành (TCB, HDB, VPB, TPB, MSB…). Ngược lại, tín dụng tại các ngân hàng cho vay cá nhân ghi nhận giảm/chậm lại so với đầu năm (ACB, VIB, STB…). 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán VNDirect, nền kinh tế suy yếu đã ảnh hưởng lên thu nhập cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân, theo đó làm giảm nhu cầu vay và các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi giải ngân cho nhóm này. Ngược lại với khách hàng doanh nghiệp, cụ thể là bất động sản với vấn đề thanh khoản trước đó đang rất cần thêm dòng tiền để đảo nợ/tài trợ hoạt động kinh doanh (tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 6,5% so với đầu năm).

 

Bên cạnh việc cắt giảm chi tiêu, khách hàng cá nhân sẽ có xu hướng tăng “gửi tiết kiệm” trong môi trường lãi suất cao và kinh tế suy yếu (tiền gửi cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng cho đến tháng 2/2023). Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cuối tháng 2/2023, đã có 6.179.979 tỉ đồng được người dân gửi ở các tổ chức tín dụng, tăng 136.920 tỉ đồng so với tháng 1/2023. Như vậy bình quân trong tháng 2/2023, mỗi ngày người dân đã gửi vào các tổ chức tín dụng khỏng 4.800 tỉ đồng. 

 

So với thời điểm cuối năm 2022, lượng tiền gửi của người dân đã tăng thêm khoảng 314.222 tỉ đồng. Tức là chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023, người dân đã đem hàng trăm ngàn tỉ đồng gửi ở các tổ chức tín dụng, trong đó chủ yếu là các ngân hàng. Trên thực tế, đây cũng là thời điểm mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường vẫn còn khá cao, nhiều ngân hàng duy trì mức lãi suất trên 9%. 

Trong khi đó, tiền gửi khách hàng doanh nghiệp tiếp tục sụt giảm đáng kể cùng thời điểm. VNDirect cho rằng dù thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã dồi dào trở lại, kênh tiền gửi khách hàng hiện vẫn chiếm phần lớn trong tổng huy động của các ngân hàng. Theo đó, xu hướng nói trên sẽ có lợi cho thanh khoản của các ngân hàng có tỉ trọng tiền gửi lớn đến từ khách hàng cá nhân và hệ số LDR (tỉ lệ dư nợ tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng) cao như STB, ACB, VCB…

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã tăng lên mức 2,9% cuối quý I/2023 (so với 2% cuối năm 2022). Đa số các ngân hàng đều ghi nhận tỉ lệ nợ xấu nội bảng tăng và tỉ lệ dự phòng rủi ro giảm so với quý trước. 

“Khó khăn từ thị trường bất động sản vẫn là một thử thách lớn cho triển vọng ngành ngân hàng khi lĩnh vực này chiếm đến 21% tín dụng hệ thống vào cuối năm 2022. Ngân hàng với bộ đệm dự phòng tốt và danh mục cho vay không tập trung vào bất động sản như VCB, ACB… sẽ hạn chế được rủi ro hiện tại. Tuy vậy, chúng tôi kỳ vọng áp lực trích lập dự phòng cũng như rủi ro nợ xấu của các ngân hàng, cụ thể như TCB, MBB, VPB… được giảm bớt trong thời gian tới, khi dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản có thể cải thiện phần nào nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành và một số các dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý”, VNDirect nhận định. 

Có thể bạn quan tâm: 

Chỉ có một lô trái phiếu phát hành trong tháng 4