Tăng trưởng GDP cả năm 2012 có thể đạt 5,2%
Tuy nhiên, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cho rằng, 5,2% là một mức tăng trưởng thấp, phản ánh những khó khăn khôn lường của nền kinh tế trong năm qua.
Đồng quan điểm này, ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, với mức tăng trưởng 5,2%, Việt Nam có năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP dưới 6% và đây là một chỉ báo cho thấy, kinh tế Việt Nam có thể sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế kéo dài.
“Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2012 là tình trạng tắc nghẽn tín dụng, dẫn đến sự sụt giảm khá mạnh về vốn đầu tư toàn xã hội, gây ra sự suy yếu tổng cầu của nền kinh tế”, ông Tuấn phân tích.
Thực tế, dù 5,2% là mức tăng trưởng thấp, song cho tới thời điểm này, thì ngay cả việc có chắc chắn đạt được con số này hay không cũng chưa thể khẳng định. Bởi lẽ, theo tính toán, với tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,73%, để cả năm đạt được con số ấy, GDP quý IV phải tăng trưởng 6,5 - 6,6%. Nhưng những chỉ tiêu kinh tế trong 2 tháng đầu của quý IV cho thấy, chưa có dấu hiệu cho sự đột phá trong tăng trưởng GDP tính theo quý. Quý I năm nay, GDP chỉ tăng trưởng 4%; quý II là 4,66% và quý III là 5,35%.
Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dù sản xuất công nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số tồn kho giảm dần, song tính chung 11 tháng đầu năm, vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của 11 tháng đầu năm chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ. Con số này chỉ bằng gần 66,7% mức tăng cùng kỳ năm trước (6,9%).
“Dù có những khởi sắc, nhưng sự chuyển biến là không nhiều. Tốc độ tăng IIP những tháng gần đây chỉ xoay quanh mức 4,6 - 4,7%”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nói và cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dù được giải thích rằng, tồn kho cao chủ yếu do có sự tăng trưởng đột biến ở các doanh nghiệp sản xuất điện thoại di động cao cấp (smart phone) dẫn đến chỉ số sản xuất, tiêu thụ và tồn kho đều tăng cao; đồng thời, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất và dự trữ hàng hóa tiêu thụ trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán nên cũng đã góp phần làm chỉ số tồn kho tăng cao; nhưng kể cả khi đã loại trừ các yếu tố này, thì tồn kho vẫn ở khá cao - gần 20%.
Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 chỉ tăng 0,47% so với tháng trước cho thấy, sức mua của nền kinh tế vẫn đang ở mức yếu, thậm chí còn là dấu hiệu của sự “kiệt quệ”.
11 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sau khi trừ yếu tố giá cả, chỉ còn tăng 6,4%. Con số này đã thấp hơn mức tăng 6,7 - 6,8% của một vài tháng trước đây.
“Dù chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp để kích thích tổng cầu, nhưng nhìn chung, tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu và chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. Do vậy, vấn đề mấu chốt lúc này là phải đẩy nhanh việc giải phóng hàng tồn kho, đặc biệt các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xây dựng, đẩy mạnh đầu tư cũng như tiêu dùng, góp phần nâng cao tổng cầu của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến trình hồi phục tăng trưởng trong năm 2013”, ông Tuấn nói.
Nguồn Báo Đầu tư