Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay vẫn là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ. Ảnh: Quý Hòa

 
Thái Bình Thứ Năm | 20/12/2018 15:55

Tăng trưởng GDP 2018 cao nhất 10 năm

GDP ước tăng từ 6,9 - 7%, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Đây là khẳng định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong báo cáo tổng quan thị trường tài chính 2018 vừa được công bố 20.12.

Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay vẫn là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ, nhưng đóng góp của hai khu vực này đã giảm nhẹ so với 2017 do sản lượng điện thoại giảm và du lịch tăng trưởng chậm lại.

Sở dĩ tăng trưởng năm nay cao hơn năm ngoái là nhờ nông nghiệp tăng trưởng tốt hơn và khai khoáng giảm ít hơn. Lạm phát bình quân cả năm ước đạt 3,6% cao hơn năm ngoái do giá hàng hóa thế giới tăng cao, ảnh hưởng tới giá lương thực, thực phẩm. Giá dịch vụ y tế giảm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát tốt cũng đã giúp lạm phát đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, dấu hiệu chi phí sản xuất tăng đang rõ ràng hơn sẽ tạo áp lực lên nền kinh tế năm sau.

Tang truong GDP 2018 cao nhat 10 nam
 

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, dù năm nay kinh tế chịu nhiều áp lực từ diễn biến kinh tế thế giới song thị trường tài chính Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Thị trường cổ phiếu so với GDP tăng từ 70,2% lên 75% và các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với số tiền là gần 1,9 tỉ USD.

Nhìn lại những biến động của kinh tế chính trị thế giới năm 2018 mới thấy rằng, mức tăng trưởng GDP này của Việt Nam thực sự ấn tượng. Nổi lên là cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng chính là hai đối tác thương mại lớn bậc nhất của Việt Nam trong suốt những năm qua. Thế nên, cuộc đụng độ thương mại của hai nền kinh tế này không thể khiến Việt Nam tránh khỏi lo lắng. Nhưng, bằng sự khéo léo và nỗ lực, con tàu kinh tế Việt Nam vẫn lèo lái vượt qua sóng gió, duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng cả ở khía cạnh GDP lẫn thương mại.

Tang truong GDP 2018 cao nhat 10 nam
Công nhân sản xuất giày tại một doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) nhận định, năm 2018, kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý là dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao 3,7%.

Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Ngoài ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao nhờ cán cân thương mại dự báo xuất siêu ở mức cao hơn năm 2017, cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỉ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%, khoản mục lỗi và sai sót giảm mạnh so với năm 2017. Nhờ đó, Ngân hàng nhà nước đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu).

Cân đối ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ do thu ngân sách nhà nước đạt khá trong khi chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, cơ cấu thu, chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Tỉ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% do tăng trưởng kinh tế khả quan. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7% năm 2018, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng mạnh.