Thông tin này mang đến những tín hiệu tích cực về vaccine Made in Vietnam. Ảnh: TL
Tăng tốc gia nhập chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu
Theo tờ Korea Times, Công ty dược phẩm HLB (Hàn Quốc) đã ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Nanogen để mua quyền cung cấp vaccine Nanocovax trên toàn cầu, ngoại trừ ở Việt Nam và Ấn Độ. Theo HLB, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Nanogen sẽ bắt đầu quá trình để được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Nanogen đã nộp một mẫu vaccine cho WHO vào tháng 7/2021.
Thuận lợi của Việt Nam
Thông tin này mang đến những tín hiệu tích cực về vaccine Made in Vietnam. Đến nay, cả nước có 3 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine ngừa COVID-19 với công nghệ khác nhau, trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh nỗ lực “có ít nhất một vaccine COVID-19 trong nước sản xuất thành công trong năm 2021”.
Trong đó, Nanocovax là vaccine đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Hiện tại, khoảng 13.000 người ở Việt Nam đang tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 và Nanogen đang chờ cấp phép sử dụng khẩn cấp của Bộ Y tế Việt Nam để sử dụng Nanocovax. Một khi chạy hết công suất, doanh nghiệp này có thể sản xuất từ 20-30 triệu liều và lên tới 100 triệu liều mỗi năm, đáp ứng được cả nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu.
Vaccine Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) là dự án hợp tác với các trường đại học của Mỹ và tổ chức PATH. Mới đây, Thủ tướng quyết định sử dụng 8,8 tỉ đồng từ nguồn Quỹ vaccine COVID-19 để hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 vaccine Covivac.
Còn vaccine VBC-COV19-154 do Công ty VinBioCare (thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup) triển khai chuyển giao công nghệ sản xuất từ vaccine ARCT-154 của Arcturus (Mỹ). Bà Lê Ngọc Chi, Tổng Giám đốc VinBioCare, cho biết dự kiến, lô vaccine thương mại đầu tiên có thể ra đời vào tháng 3/2022, sớm hơn 18 tháng so với kế hoạch ban đầu. Nhà máy sản xuất vaccine của VinBioCare có tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, công suất 200 triệu liều mỗi năm.
“Dù Nanogen cho thấy có thể đáp ứng được nhu cầu vaccine trong nước, doanh nghiệp này vẫn chưa được phê duyệt sử dụng rộng rãi trong khi tình hình COVID-19 toàn cầu đang diễn biến xấu đi và cần hướng tiếp cận chủ động hơn nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine đầy đủ cho tương lai gần”, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu tại Đại học RMIT Việt Nam, cho biết.
Chính phủ rõ ràng đang rất quyết đoán trong việc biến Việt Nam thành nguồn cung cấp vaccine cho toàn thế giới thông qua các thỏa thuận chuyển giao công nghệ, cũng như nghiên cứu và phát triển trong nước. Bộ Y tế đã duyệt hàng loạt sáng kiến chuyển giao và sản xuất vaccine (Quyết định 2301/QĐ-BYT) nhằm tăng tốc sản xuất vaccine tại Việt Nam lên khoảng 200 triệu liều vào nửa đầu năm 2022...
Theo Tiến sĩ Hiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine toàn cầu sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu chiến lược. Trong đó, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế hạ tầng chất lượng cao ở các khu công nghiệp cũng như đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm ở nhiều công ty công nghệ cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất vaccine. “Quan trọng là tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine có thể nâng cao năng lực đối phó với đại dịch trong tương lai cho đất nước vì COVID-19 có thể không phải là đại dịch cuối cùng”, Tiến sĩ Hiệp nhận định.
Nhận diện thách thức
Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất vaccine Made in Vietnam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là tìm được nhà sản xuất trong nước với năng lực kỹ năng phù hợp và khả năng sản xuất vaccine COVID-19. “Sản xuất vaccine COVID-19 đòi hỏi phương thức sản xuất chuyên sâu, nguyên liệu thô và các thiết bị hiếm - những thứ còn thiếu ở nhiều quốc gia đang phát triển”, Tiến sĩ Majo George, Giảng viên Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT, phân tích. Tính phức tạp trong chuỗi cung ứng có thể tạo ra rào cản cho các quốc gia như Việt Nam khi tiếp cận chuyển giao công nghệ. Một nghiên cứu gần đây cho thấy chuỗi cung ứng cho vaccine Pfizer cần 280 thành tố từ 86 nhà cung cấp ở 19 quốc gia, cùng với thiết bị đặc chủng và nhân sự được tập huấn chuyên sâu.
Có một thách thức khác trong việc tiếp cận với các nhà cung cấp đáng tin cậy trong khoảng thời gian ngắn khi đợt bùng phát COVID-19 hiện tại với biến chủng Delta đã và đang tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu hiện có. Đó là các nguyên liệu thô cần thiết có thể khác nhau từ những thành phần cơ bản như phần đệm, nhựa resin, natri clorua, đến các vật tư phụ như hộp đựng dùng một lần, ống, đầu lọc tiệt trùng, lọ nhỏ, nút chai... Một số nguyên liệu này dự báo sẽ thiếu hụt từ 12-15 tháng. Với một số nguyên liệu quan trọng như lọ nhỏ, đầu lọc tiệt trùng, nút, kẹp chì niêm phong, số lượng nhà cung cấp rất giới hạn khiến mặt bằng phát triển nhà cung cấp cũng giới hạn theo.
Thực tế, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech (trực thuộc Bộ Y tế), cho biết công ty này đã chính thức sản xuất thử nghiệm vaccine Sputnik V (của Nga) tại Việt Nam, kể từ ngày 21/7. “Chúng tôi tin vào năng lực của mình và thực tế đã chính thức sản xuất gia công. Về công suất, cố gắng sẽ đạt khoảng 5 triệu liều/tháng. Tuy nhiên, cũng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu sản xuất vaccine do phía bạn cung cấp”, Tiến sĩ Đạt nhận định.
Tiến sĩ George cho biết lệnh cấm di chuyển quốc tế và yêu cầu cách ly khiến việc đưa chuyên gia từ các nhà cung cấp đến thực địa để lắp đặt thiết bị mới và đào tạo nhân viên tại chỗ bị chậm trễ. Vậy nên việc chuyển giao trang thiết bị mới sẽ có thể kéo dài. Tình huống còn tệ hơn khi một số quốc gia phát triển đặt hàng hơn nhu cầu thực tế để đảm bảo trữ đủ hàng khiến khan hiếm càng nghiêm trọng hơn và dẫn đến tê liệt toàn ngành.
Ông còn nhận định rằng việc chuyển giao công nghệ vaccine có thể không diễn ra như mong đợi vì nguồn lực và nguồn cung cấp giới hạn cũng như tranh luận chưa đến hồi kết về quyền sở hữu trí tuệ. “Các công ty dược lớn không mặn mà tham gia chuyển giao công nghệ. Họ thích thực hiện các giao dịch sinh lời với các nước giàu có hơn”, ông cảnh báo.