Thuế môi trường xăng dầu tăng mạnh. Ảnh: Quý hòa
Tăng thuế xăng dầu, quỹ bình ổn và lạm phát
Ngày một nhiều quan ngại về Liên Bộ Công thương – Tài chính muốn giữ mức trích 300 đồng/lít xăng dầu cho quỹ bình ổn, trong bối cảnh thuế môi trường với xăng dầu tăng kịch trần từ 1.1.2019.
Giữ quỹ bình ổn
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải, tại họp báo ngày 17.10, đã dành nhiều thời lượng để nói về vai trò, tác dụng của quỹ bình ổn xăng dầu.
Ông Hải, thậm chí còn khẳng định việc không có quỹ bình ổn sẽ dễ dàng hơn cho công tác điều hành, vì khi đó giá xăng dầu trong nước sẽ tăng, giảm tương ứng giá xăng thị trường thế giới.
Chưa hết, ông cũng nói giá xăng dầu đang ảnh hưởng tới lạm phát, tác động lên đầu vào của doanh nghiệp và đời sống của người dân khi chỉ số giá tiêu dùng bị đẩy lên mức cao hơn.
Liên Bộ Tài chính - Công Thương, trong điều hành gần đây, một mặt tạm dừng trích quỹ bình ổn, nhưng mặt khác đã chi từ quỹ này để bình ổn giá xăng dầu trong nước. Theo ông Hải, nhờ động thái này, xăng chỉ tăng gần 700 đồng/lít, thay vì phải tăng hơn 1.000 đồng/lít. Ông cho đây là lợi ích đến từ quỹ bình ổn xăng dầu.
Liên bộ Tài chính-Công thương từ đầu năm đến nay đã 19 lần cùng điều hành giá xăng dầu, với 2 lần giảm giá, 6 lần tăng giá và 10 lần giữ giá ở mức ổn định, với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng đã được chi ra từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đưa ra phương án điều hành giá thời gian tới, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đang bàn bạc về trích quỹ bình ổn. Ông Hải khẳng định sự cần thiết tiếp tục trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu để duy trì Quỹ.
Tính đến ngày 31.8.2018, Quỹ còn hơn 3.100 tỷ đồng. Vị Thứ trưởng của Công thương nói rằng, việc điều hành giá xăng dầu tới đây phụ thuộc vào số tiền trong quỹ này.
Trên thực tế, việc trích quỹ bình ổn vào thời điểm giá xăng dầu lên cao sẽ rất ảnh hưởng tiêu cực đến giá xăng dầu trong nước, lý do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá hồi tháng 7, chỉ đạo cần tính đến việc tạm không trích quỹ trong một thời gian.
Quá thấp và thiếu chính xác
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua việc tăng kịch trần thuế môi trường xăng từ 3.000đ/lít hiện nay lên 4.000đ/lít kể từ 1.1.2019. Theo đó, giá xăng hiện nay sẽ gánh thêm 1000 đồng/lít của thuế môi trường trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các bộ ngành liên quan, việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường này sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07-0,09%. Cơ sở đưa ra dự báo này là xăng dầu chỉ chiếm 4% chi tiêu cho tiêu dùng của các hộ gia đình.
Thế nhưng, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, tại công bố Báo cáo Kinh tế quý III/2018 hôm 10.10, của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng, đánh giá trên là “quá thấp" và "thiếu chính xác”.
Theo phân tích của TS Thế Anh, xăng dầu là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, nên giá tăng còn tạo ra vòng xoáy tăng giá các mặt hàng tiêu dùng khác, đặc biệt là các mặt hàng như thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng...
"Khi CPI tăng, chi phí sinh hoạt cũng trở nên đắt đỏ hơn. Nếu CPI sau 1 năm tăng 0,07-0,09%, đồng nghĩa với việc để duy trì mức sống như cũ, các hộ gia đình cần tăng chi tiêu thêm 0,08%", |
Giả định, một hộ gia đình trung bình tiêu 10 triệu đồng cho sinh hoạt hàng tháng thì theo tính toán của Chính phủ, thì một năm sau khi tăng thuế môi trường với xăng dầu lên 4.000 đồng/lít, các hộ dân này cần chi tiêu thêm 8000 đồng/tháng để duy trì mức sống như cũ.
Thực ra, 8.000 đồng một hộ gia đình chi tiêu 10 triệu/tháng, hoặc 4.000 đồng với một hộ gia đình chi tiêu 5 triệu/tháng, là một con số quá nhỏ, nhưng cho thấy nhận định của nhà điều hành là chưa sát thực tế.
Để đánh giá tác động của việc tăng giá xăng dầu đối với tỷ lệ lạm phát (% thay đổi của CPI) và giá bán lẻ xăng A92 (sau 2017 là xăng A95) kể từ năm 2010 cho đến nay, PGS Thế Anh đã sử dụng mô hình véc-tơ tự hồi quy VAR đơn giản với hai chuỗi số này.
PGS Thế Anh, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, sau khi giá xăng dầu bất ngờ tăng thêm 1000 đồng/lít (tức là tăng thêm 4,7%) so với hiện nay, thì CPI so với cùng kỳ năng ngoái bắt đầu tăng mạnh vào tháng thứ 2 là 0,16%, tháng thứ 3 là 0,21%, tháng... sau đó giảm dần đến tháng thứ 18 sẽ không còn tác động nữa.
Tổng tác động sau 12 tháng là 1,60%, sau 18 tháng là 1,69%. Tức là một hộ gia đình chi tiêu 10 triệu/tháng thì sau 1 năm họ cần phải bỏ thêm 160 nghìn để duy trì mức sống như cũ.
Phân tích của PGS Thế Anh được đưa ra trong bối cảnh giá năng lượng thế giới liên tục hồi phục thời gian qua, việc áp kịch trần thuế bảo vệ môi trường từ năm 2019 sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới. Những tác động cũng rõ ràng hơn khi 9 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản ở mức trên1,4%, nhưng chịu áp lực lớn hơn từ chi phí đẩy, đặc biệt liên quan đến nhóm xăng dầu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá nhiên liệu sản xuất tăng cao gây áp lực cho lạm phát. Riêng quý 3, chỉ tính riêng nhiên liệu cho sản xuất chế biến thủy sản đã tăng 3%, trở thành nguồn cơn gây áp lực lên giá lương thực thực phẩm của quý này.