Tăng thuế rượu bia, thuốc lá nhưng phải theo lộ trình
Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam Vũ Văn Cường cho biết, Hiệp hội đồng tình với chủ trương áp dụng các biện pháp về thuế để tăng thu cho ngân sách Nhà nước và giảm tiêu dùng thuốc lá, giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Cường, để Luật phát huy tác dụng và đi vào cuộc sống một cách tích cực, Quốc hội cần cân nhắc thận trọng và tính toán một cách toàn diện tất cả các yếu tố tác động, cả tích cực và tiêu cực, để đảm bảo việc tăng thuế là có hiệu quả. Điều đó sẽ giúp tránh những tác động ngược: Vừa không đạt được mục tiêu tăng ngân sách, vừa không giảm tiêu dùng thuốc lá, còn tạo thuận lợi cho buôn lậu thuốc lá được hưởng lợi.
Theo các đại biểu, thuốc lá là mặt hàng gọn, nhẹ, dễ vận chuyển, giá trị cao, lại là mặt hàng chịu thuế TTĐB nên buôn lậu thuốc lá đang đem lại những khoản siêu lợi nhuận và phát triển rất mạnh ở nước ta hiện nay. Ông Cường cho biết, việc buôn lậu thuốc lá ước tính làm thất thu ngân sách Nhà nước 6.500 tỷ đồng trong năm 2013.
Bên cạnh đó, theo phân tích của các đại biểu, nếu thuế TTĐB của Việt Nam tăng cao trong khi thuế tại các nước có chung đường biên giới nước ta thấp sẽ gián tiếp làm tăng lợi nhuận của buôn lậu. Tình trạng buôn lậu gia tăng làm thất thu ngân sách Nhà nước, trong khi không giảm được mục tiêu hạn chế việc hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Hiện tại thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế TTĐB 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%. Trong khi đó, tại Campuchia thuế TTĐB là 10%, thuế nhập khẩu 7%; còn tại Lào thuế TTĐB là thuế hỗn hợp gồm thuế tương đối và tuyệt đối, bình quân khoảng 35%, thuế nhập khẩu 40%; còn tỷ lệ này ở Trung Quốc tương ứng là 40% và 25%.
Chính vì vậy, các đại biểu đều cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép trích 50% Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá để hỗ trợ trang thiết bị cho lực lượng chức năng làm công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Đối với các mặt hàng rượu bia, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc tăng thuế TTĐB là cần thiết. Tuy nhiên, khi tăng cũng cần phải chú ý tới các yếu tố tác động. Cần tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu nhằm hạn chế sử dụng rượu do việc sử dụng quá mức gây tác hại đến sức khỏe người uống và là tác nhân của nhiều vấn đề xã hội khác.
Đối với mặt hàng bia, các đại biểu cũng đồng tình với dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó trưởng phòng Pháp chế VCCI chi nhánh TPHCM, việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng này cần phù hợp với lộ trình quy hoạch phát triển của Bộ Công Thương.
Nguồn Chinhphu.vn