Tăng thuế đồ uống có đường: Đạt mục tiêu vì sức khỏe người dân?
Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với hai phương án thuế suất: Áp mức thuế 10% từ năm 2019 và áp thuế 20% từ năm 2019. Bộ này đưa ra 3 lý do về quyết định áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường nhằm tăng ngân sách, phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh bệnh tiểu đường và béo phì.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) lập tức có ý kiến về kế hoạch áp thuế tiêu thụ đặc biệt là tăng một số loại thuế khác của Bộ Tài chính. VBA không đồng thuận với lý do “bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
VBA cho rằng, Bộ Tài chính phải làm rõ hai vấn đề. Thứ nhất, chứng minh một cách khoa học về việc nước ngọt là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường và bệnh béo phì. Thứ hai, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt sẽ giảm được tỷ lệ béo phì và tiểu đường.
Tính công bằng của thuế
Bà Natasha Ansell, Chủ tịch AmCham, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) vào trung tuần tháng này, đã tỏ rõ quan quan ngại trước “những thay đổi mới đây trong chính sách”, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Bà nói: “Những sửa đổi này khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đứng trước những nguy cơ, rào cản mới khi thực hiện đầu tư”.
Amcham xác nhận, chỉ 4 quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chiếm khoảng 2% dân số trong khu vực, đang áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt.
Trong khi đó, yêu cầu về chứng nhận công bố phù hợp với các quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Luật An toàn Thực phẩm gây gián đoạn hoạt động của ngành thực phẩm và đồ uống, dẫn đến việc tăng cao chi phí mà không đem lại giá trị nào cho công tác quản lý an toàn thực phẩm.
Theo quan sát của ông Wayne Barford, chuyên gia cao cấp Trung tâm Đầu tư và thuế Quốc tế, một tổ chức phí chính phủ có văn phòng ở Washington DC, Hoa Kỳ, “chưa có quốc gia nào dùng chính sách thuế như một công cụ để để chăm lo sức khỏe cho người dân”.
“Thuế không phải công cụ chính sách công để bảo vệ sức khỏe toàn dân”, ông nói “cần lưu ý nguyên tắc này”. Đến nay, chưa có kết quả nghiên cứu nào về việc đánh thuế đồ uống có đường mà bảo vệ được sức khỏe cho người dân, như cơ quan soạn thảo giả định.
Trong đề án thuế này, Bộ Tài chính đã trích dẫn số liệu của WHO về tỷ lệ béo phì của người dân Việt Nam hiện nay là 25%, thuộc tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực và thế giới và cho rằng đánh thuế lên đồ uống có đường là cần thiết. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác của WHO, Malaysia có tỷ lệ dân số béo phì là 42% và không đánh thuế đồ uống có đường.
Thế nhưng, tại Thái Lan, tỷ lệ dân số béo phì là 32% dù Chính phủ nước này đã duy trì đánh thuế đồ uống có đường suốt 30 năm qua. Việc Thái Lan đánh thuế lên đồ uống có đường đã không ngăn cản được người dân bị béo phì, thậm chí còn đưa nước này đứng thứ hai ASEAN về tỷ lệ dân bị béo phì.
Như vậy, Việt Nam với tỷ lệ 25% dân số béo phì, đang là nước có dân số “thanh mảnh” nhất trong ASEAN. Trong khi đó, một lý do dự thảo đưa ra là “bảo vệ sức khỏe người dân” nhưng lại không chứng minh được sau thời gian áp dụng sẽ bảo vệ được sức khỏe người dân.
Theo các chuyên gia y tế, đường chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đồ uống có đường. Việt Nam có thể phải giảm lượng đường trên tất cả các sản phẩm đồ uống và thực phẩm, nếu muốn giảm lượng đường tiêu thụ cho mỗi một người dân.
“Đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng béo phì. Quan trọng hơn, đánh thuế đồ uống có đường không phải là giải pháp để giảm tỷ lệ dân số bị béo phì”, ông Wayne Barford, với kinh nghiệm hơn 30 năm công tác trong ngành thuế của Chính phủ Australia khẳng định.
Mục tiêu đánh thuế đồ uống có đường “vì sức khỏe người tiêu dùng” ông Wayne Barford nói “sẽ thất bại” và “rất khó để tăng thu ngân sách một cách có ý nghĩa”, do doanh thu từ thuế đồ uống có đường thấp hơn các nguồn thu thuế khác”.
Hiện nay, Lào và Campuchia đều đánh thuế đồ uống có đường với mục tiêu rõ ràng là tăng ngân sách. Philippine dự kiến đánh thuế đồ uống có đường với mục tiêu tăng thu ngân sách sau khi bác bỏ mục tiên ban đầu là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ủy ban Châu Âu (EC) năm 2016 đã tiến hành một nghiên cứu đánh giá về thừa cân béo phì liên quan đến các sắc thuế đánh vào thực phẩm và đồ uống có đường ở các nước Phần Lan, Pháp, Hà Lan và Hungari. Sau khi nghiên cứu tác động, EC kết luận, các luật thuế này gây thêm nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế và hành thu.
Cạnh đó, thuế đồ uống có đường có tác động làm làm tăng giá cả thực phẩm, giảm việc làm trong một số trường hợp. Cuối cùng, không có tác động nào có thể nhận thấy rõ liên quan đến việc cải thiện sức khỏe cộng đồng sau khi có các sắc thuế này.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm không khuyến khích tiêu dùng, nhưng “việc đưa sang vấn đề sức khỏe làm mất tính công bằng của thuế”, bà Cúc nói.
Tìm hiểu thông lệ quốc tế
Năm 2016, OECD đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiên liệu hóa thạch dùng cho giao thông, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe tiết kiệm nhiên liệu hoặc xe điện. Đáng lưu ý, OECD không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các lĩnh vực khác, bởi quan ngại tác động tiêu cực đến phát triển xã hội.
Việc dự thảo thuế đồ uống có đường viện lý do “phù hợp với thông lệ quốc tế” để áp thuế, ông Wayne Barford khẳng định “không có thông lệ quốc tế chuẩn phổ biến toàn cầu cho vấn đề này” và “mỗi nước có cách tiếp cận thuế khác nhau”.
Thông lệ thế giới, về lý thuyết là tốt, các nhà làm chính sách cần xem xét kỹ, không phải bất cứ thông lệ nào cũng là tốt cho Việt Nam, cần chọn thông lệ phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Trên thực tế, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, có nghĩa là giảm sức tiêu thụ của mặt hàng nhà nước muốn đánh thuế. Thế nhưng, khi doanh số của mặt hàng đó bị giảm, nhiều khả năng nguồn thu từ thuế VAT cũng sẽ giảm mạnh.
Một điểm mà ông Wayne Barford chắc chắn, khi giảm doanh số, tổng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm tương ứng, kéo thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức thấp. Trường hợp này, doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất và số việc làm cũng giảm theo.
Do đó, quá trình soạn thảo cần được tham khảo ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội và chuyên gia trong nước cũng như quốc tế. Cạnh đó, cần cân nhắc điều kiện doanh nghiệp Việt Nam cũng rất khác các nước phát triển như châu Âu.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Hungari, khi Chính phủ đánh thuế lên tất cả sản phẩm có đường. Hơn thế, họ dùng tiền thuế thu đường để chi trả cho các chương trình giáo dục ở nhà trường về tác hại của thực phẩm có đường, đồng thời cấm bán những sản phẩm có đường trong khuôn viên trường học, cơ sở giáo dục.
“Giáo dục mới là mục tiêu quan trọng để bảo vệ sức khỏe dân chúng”, ông Wayne Barford khẳng định. Dùng tiền thuế đồ uống có đường để chi trả cho giáo dục mới là giải pháp hiệu quả, thuế không phải công cụ để bảo vệ sức khỏe người dân.
Mục tiêu chính sách của mỗi một quốc gia là khác nhau. Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc “được và mất” trong phương án áp thuế này. Việt Nam cần có “chính thuế sách cân bằng” với bối cảnh các nước ASEAN, ông Wayne Barford, người từ giữ cương vị Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Úc, khuyến cáo.