Ảnh: Tin nhanh chứng khoán.
Tăng room tín dụng, dấu hiệu của nới lỏng chính sách tiền tệ?
Trong thời gian vừa qua, thị trường liên tục ghi nhận một số ngân hàng thương mại được nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019, thay vì cố định ở các mức thấp được giao từ đầu năm.
Cụ thể, các ngân hàng được chấp thuận nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 4% gồm có VPBank từ 12% lên 16%; Techcombank từ 13% lên 17%; MBBank từ 13% lên 17% và ACB cũng được nâng từ 13% lên 17%.
Ngoài các ngân hàng trên, lãnh đạo Sacombank cũng tiết lộ, ngân hàng này cũng được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tín dụng nhưng không nhắc tới con số cụ thể. Trong khi, chỉ tiêu được phê duyệt đầu năm của Sacombank là 7%, nhưng chỉ sau 4 tháng, ngân hàng đã chạm mức được giao và 6 tháng đã vượt trên 8,8%.
Tại một diễn biến liên quan, nhiều tháng trở lại đây, tín phiếu là kênh hoạt động chính trên thị trường mở (OMO). Tuy nhiên, ngày 19/7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đột ngột giảm lãi suất tín phiếu từ 3% xuống 2,75% với kỳ hạn 7 ngày. Đến ngày 22/7, mức lãi suất trên vẫn được duy trì. Lãi suất tín phiếu hạ sẽ khuyến khích các thành viên thị trường đẩy tiền vào nền kinh tế thay vì chuyển về Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn lại từ cuối năm 2015, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất nhưng lãi suất tín phiếu và lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì ổn định, thậm chí có một số thời điểm lãi suất OMO còn giảm rất thấp, xuống dưới 1%/năm.
Điều này cho thấy chính sách tiền tệ của Việt Nam được điều hành khá linh hoạt chứ không cứng nhắc theo một hướng là thắt chặt hay nới lỏng, với mục tiêu là giữ ổn định tiền tệ, thận trọng trong việc điều tiết dòng tiền và kiểm soát chất lượng tín dụng.
Vì thế, theo các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, nếu FED giảm lãi suất vào cuối tháng này như kỳ vọng sẽ không tác động quá lớn về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mà chỉ khiến cho việc thực hiện các định hướng chính sách thuận lợi hơn do giảm bớt sức ép từ tỷ giá.
Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đã có động thái nới lỏng tiền tệ khi vừa điều chỉnh nâng hạn mức tín dụng cho một loạt ngân hàng. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng đây là định hướng từ đầu năm, căn cứ vào diễn biến tăng trưởng tín dụng thực tế 6 tháng đầu năm 2019 vì hai lý do.
Thứ nhất, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14% nhưng hạn mức tín dụng phân bổ cho từng ngân hàng đầu năm phổ biến ở mức thấp hơn (11-13%), thậm chí một số ngân hàng như Vietinbank, Sacombank chỉ là 7%.
Và thứ hai, nếu không tính Vietcombank thì 8 ngân hàng thương mại đã đáp ứng chuẩn Basel 2 có tổng dư nợ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, nếu cả 8 ngân hàng thương mại này được nâng hạn mức tín dụng lên mức kỳ vọng thì số dư nợ tăng thêm so với hạn mức cũ là khoảng 46 nghìn tỷ đồng tức là chỉ khoảng 0,6% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Theo VnEconomy