Tăng quyền của người lao động để hưởng lợi từ tự do thương mại
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp, tại hội thảo về lao động, hôm 26.11, cho biết, Việt Nam đang nỗ lực cải cách pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người nhằm đảm bảo sự chia sẻ công bằng lợi ích từ thương mại tự do và tăng năng suất.
Chính sách thị trường lao động và nâng cao kỹ năng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và những nỗ lực không ngừng nhằm phê chuẩn hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam,
Thế nhưng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Tường Văn, ông Lê Văn Minh, cho rằng, mối tương quan giữa cung và cầu trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay có độ chênh rất lớn. Đặc biệt là nguồn lao động chất lượng đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp CM 4.0.
Về mặt vĩ mô, Nhà nước rất quan tâm và đầu tư nhiều cho các dự án đào tạo nguồn lực cho doanh nghiệp các ngành. Tuy nhiên, nước ta lại thiếu cơ chế đánh giá tác động của dự án mang lại. Đa số các dòng tiền đầu tư theo dạng phân bổ kinh phí thông qua các sở đến cuối năm quyết toán với nhà nước.
Cạnh đó, tính khả thi cũng không cao vì không xuất phát từ nhu cầu cụ thể doanh nghiệp hoặc các hiệp hội. Dòng tiền hối hả vào cuối năm và thư thả đầu năm mà không có sự liên kết giữa các hiệp hội và cơ quan nhà nước về đào tạo. Như thế, việc đào tạo chưa đi vào bản chất của đáp ứng nhu cầu thực tế nguồn lực doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp muốn vận hành tốt phải đồng bộ các khâu R&D, marketing, vận hành sản xuất, logistics, hậu mãi và trọng tâm là nguồn lực phải đủ mạnh và đều tay. Việt Nam vốn không mạnh về xây dựng thương hiệu R&D.
Theo quan sát của ông Minh, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang làm cho dòng hàng đổ về Việt Nam khá nhiều. Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động nắm bắt và tập trung xây dựng hệ thống quản trị sản xuất sao cho đủ mạnh, có chiều sâu, tạo có năng suất cao, đồng thời tiết kiệm nguyên vật liệu mới.
Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam, bà Beatrice Maser, nhấn mạnh tầm quan trọng của “đối thoại xã hội, cải thiện điều kiện làm việc và tăng năng suất nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa sản xuất, từ đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện”.
Thụy Sỹ bắt đầu chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam từ đầu thập kỷ 90. Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với ILO và các đối tác phát triển khác, chương trình đã đạt được những tiến bộ tích cực.
Theo ông Raymund Furrer, Đại sứ, Giám đốc Chương trình Phát triển và Hợp tác Kinh tế, Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, việc tăng cường hội nhập kinh tế và thương mại của Việt Nam quan trọng hơn bao giờ hết nhằm đảm bảo mọi người Việt Nam đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện.
ILO và OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) đã trình bày kết quả của một nghiên cứu do Thụy Sỹ tài trợ về thị trường lao động tại ASEAN, cho thấy sự cần thiết phải cải thiện kỹ năng, thúc đẩy quyền của người lao động và mở rộng phạm vi của các cơ chế bảo trợ xã hội nếu các nước muốn được hưởng lợi từ thương mại tự do.
Quốc vụ khanh Thụy Sỹ, ông Zürcher, tin tưởng rằng báo cáo sẽ giúp củng cố thể chế về thị trường lao động và tầm quan trọng của thống kê lao động tại Việt Nam.
Giám đốc ILO Việt Nam, TS. Chang-Hee Lee, cho biết: “Việt Nam cần có những chính sách thị trường lao động hiện đại, đáp ứng với sự thay đổi về nhu cầu của các ngành công nghiệp và người lao động, cùng với việc cung cấp bảo trợ xã hội cần thiết cho người lao động trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của Cách mạng Công nghiệp 4.0”.
Thụy Sỹ đối đã có những hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và điều kiện làm việc thông qua chương trình Better Work (Việc làm Tốt hơn) trong ngành dệt may và SCORE (Chương trình phát triển doanh nghiệp bền vững) trong ngành chế biến gỗ. Bộ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ là một trong những nhà tài trợ chính của các chương trình này.
Giám đốc ILO Việt Nam cho biết thêm: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục được hợp tác với SECO và các đối tác xã hội Thụy Sỹ trong việc nâng cao hơn nữa năng lực của Chính phủ và các đối tác Việt Nam nhằm đảm bảo liên tục tăng năng suất và cải thiện điều kiện làm việc thông qua đối thoại và hợp tác”.