Tăng phiên cuối tuần, VN-Index vẫn giảm 1,4% tuần đầu tháng 5
Khép lại phiên giao dịch cuối tuần này, chỉ số VN-Index tăng 1,53 điểm, tức 0,28%, lên 554,51 điểm.
Trong tuần, VN-Index có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, nhưng do phiên giảm mạnh ngày 4/5, nên chỉ số này vẫn giảm 7,89 điểm, tương đương giảm 1,4%.
Khối lượng giao dịch trên sàn Tp HCM trong phiên ngày thứ Sáu này đạt 72,9 triệu đơn vị với giá trị 1.009,2 tỷ đồng. Đây là phiên có giá trị giao dịch thấp nhất kể từ đầu tuần.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đóng cửa tăng 0,36 điểm, tức 0,45%, lên 80,29 điểm. Toàn phiên, sàn này ghi nhận 31 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị đạt 364,8 tỷ đồng.
Tính chung cả tuần, chỉ số HNX-Index cũng giảm gần 3%.
---------- ---------- ----------
Khép lại phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 3,25 điểm, tức 0,59%, lên 556,23 điểm. Thị trường ghi nhận 114 mã tăng giá, 62 mã giảm giá và 127 mã đứng giá.
Tổng khối lượng giao dịch trên sàn Tp HCM đạt 38,1 triệu đơn vị với giá trị 516,1 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức khối lượng 64 triệu đơn vị và giá trị 967 tỷ đồng của phiên sáng ngày 7/5.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0,39 điểm, tức 0,49%, lên 80,33 điểm. Thị trường có 96 mã tăng, 53 mã giảm và 221 mã đứng giá và không có giao dịch.
Khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội trong phiên sáng đạt 16,3 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 197,5 tỷ đồng.
Chứng khoán Việt Nam ghi điểm trong diễn biến tăng chung của thị trường chứng khoán Châu Á, và nối gót phiên tăng của thị trường Mỹ vào đêm trước.
Thị trường cũng tiếp nối đà tăng của phiên trước khi nhiều cổ phiếu ngành xuất khẩu được thúc đẩy do kỳ vọng sẽ được hưởng lợi tỷ quyết định tăng tỷ giá VND/USD thêm 1% của Ngân hàng Nhà nước ngày hôm qua.
Cụ thể, ngành thủy sản ghi nhận một số mã tăng trong phiên sáng nay, như HVG tăng 200 đồng, VHC tăng 1.500 đồng, IDI tăng 200 đồng.
Cổ phiếu ngành dệt may cũng tăng, trong đó TCM tăng 600 đồng, KMR chạm giá trần khi tăng 200 đồng.
Tuy nhiên, đáng chú ý là sự hồi phục của một loạt cổ phiếu bất động sản, sau khi cổ phiếu ngành này đã giảm gần đây do lo ngại về Thông tư 200. Các cổ phiếu bất động sản, bên cạnh việc tăng mạnh, còn đứng đầu danh sách các mã được giao dịch tích cực nhất trong phiên sáng.
Ngược lại, cổ phiếu dầu khí giảm mạnh sau khi giá dầu thô thế giới giảm hơn 3% vào đêm qua. Cộng với đó, tâm lý nghi ngại về khả năng mất khoản vốn góp của PVN tại OGC cũng kìm hãm cổ phiếu các công ty dầu khí. PVD, PVS, PVB, PVC tiếp tục kéo dài diễn biến giảm từ đầu phiên.
--- --- ---
Lúc 9h35, chỉ số VN-Index giảm 1,8 điểm, tức 0,33%, xuống 551,18 điểm. Thị trường ghi nhận 55 mã tăng giá, 47 mã giảm giá và 201 mã đứng giá.
Khối lượng giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Tp HCM tới thời điểm này đạt 6,2 triệu đơn vị với giá trị 91,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu OGC tiếp tục giảm sàn, trong khi dư bán giá sàn lên tới hàng chục triệu đơn vị.
Thông tin về khả năng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) có nguy cơ mất trắng khoản đầu tư 800 tỷ đồng tại Ngân hàng OceanBank (thuộc OGC) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố sẽ mua lại bắt buộc OceanBank với giá 0 đồng đã gây áp lực cho một số mã cổ phiếu ngành dầu khí vào đầu phiên như PVD, PVS, PVB, PVC.
Ngoài ra, một số mã ngành ngân hàng hàng cũng chịu ảnh hưởng như BID, CTG, EIB.
Đưa ra nhận định về diễn biến của phiên này, hầu hết các công ty chứng khoán đều đứng ở quan điểm trung lập, trong đó BVSC khuyến nghị nên ưu tiên quản trị rủi ro, SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên kiên nhẫn, trong khi VNDirect cho rằng nên hạn chế tham gia thị trường thời gian này.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đi ngang, giao dịch tại 79,93 điểm khi thị trường có 44 mã tăng, 38 mã giảm và 288 mã đứng giá và không có giao dịch.
Khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội đạt 3,8 triệu cổ phiếu với giá trị đạt 48,6 tỷ đồng.
Nguồn NDH