Thứ Tư | 23/01/2013 10:47

Tăng phí du lịch: Đè thêm 'đá tảng' lên vai doanh nghiệp

Thông tin chuẩn bị tăng tiền ký quỹ lữ hành quốc tế từ 250 triệu lên 500 triệu đồng cũng như lệ phí visa vào VN sẽ tăng gần gấp đôi, lệ phí làm hộ chiếu cho người trong nước tăng 50% đã khiến nhiều DN du lịch rất lo lắng.

“Trong khi Nhà nước đang có những chính sách vĩ mô để hỗ trợ, cứu giúp các doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực thì việc tăng một số mức phí trong lĩnh vực du lịch tại thời điểm này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa khiến các doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn lại càng thêm khốn khó” - Ông Nguyễn Quốc Thành - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Chủ tịch HĐQT công ty CP phần Du lịch Hương Giang (Huế) bày tỏ nỗi thất vọng.

Phí chồng phí

Theo quy định tại Thông tư 190/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, từ ngày 1/1/2013, lệ phí cấp thẻ tạm trú (visa) vào Việt Nam được điều chỉnh tăng gần gấp đôi. Cụ thể, visa có thời hạn dưới một năm, mức lệ phí tăng từ 60 lên 80 USD; visa có thời hạn từ 1 - 2 năm, mức lệ phí từ 80 lên 100 USD; visa có thời hạn từ 2 - 3 năm, mức lệ phí từ 100 lên 120 USD. Cùng với đó, mức ký quỹ của các công ty Lữ hành Quốc tế cũng đang rục rịch tăng từ 250 triệu lên 500 triệu đồng.

Phản ứng trước thông tin trên, bà Nguyễn Thu Giang – Giám đốc công ty Du lịch Hành Trình Xanh cho biết: “Quyết định này giống như giáng một đòn chí tử vào sự sống còn của các DN du lịch hiện nay". Theo bà Giang, so với các năm trước, năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế đến với công ty bà giảm rất mạnh do kinh tế khó khăn, công ty phải thu hẹp quy mô hoạt động, giảm nhân viên. Việc tăng phí visa không khác gì “một hòn đá” tảng chắn ngang con đường sinh tử của DN bởi phí visa tăng bao nhiêu đồng nghĩa với giá tour sẽ tăng tương ứng. “Do tình hình kinh tế khó khăn, lượng khách du lịch giảm sút. Việc tăng phí sẽ đánh mất thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam, đẩy các DN kinh doanh lữ hành quốc tế vào bờ vực phá sản bởi nếu phí tăng phí, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chắc chắn sẽ giảm”, bà Giang nói.

Đồng tình với ý kiến của bà Giang, ông Nguyễn Quốc Thành chia sẻ: Trong bối cảnh chiến lược quảng bá của Du lịch Việt Nam còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn, sức lan tỏa của du lịch Việt Nam hạn chế, môi trường xã hội chưa gây được thiện cảm cho du khách khi đến Việt Nam như thiếu an toàn về giao thông, cướp giật, mất cắp, lừa đảo, chèo kéo ở các điểm du lịch... thì việc tăng phí sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ cho ngành du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước có dịch vụ du lịch khá nổi tiếng trong khu vực như Thái Lan, Singapore… mà giá dịch vụ lại rẻ hơn nhiều so với Việt Nam, thủ tục lại thuận tiện (bỏ thủ tục visa để giảm chi phí nhằm thu hút du khách) thì việc tăng phí của Việt Nam sẽ vô hình chung "đẩy" Việt Nam ra khỏi danh sách lựa chọn điểm đến của khách du lịch quốc tế - ông Thành lo ngại.

Không hợp lý, làm khó DN

Theo ý kiến của nhiều DN, hiện nay các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính như giá cả đầu vào: điện, xăng, phí giao thông, nhân công tăng vọt nên việc tăng tiền ký quỹ lên 500 triệu đồng cũng như tăng tiền lệ phí visa sẽ tiếp tục đè nặng lên gánh nặng tài chính của doanh nghiệp, khiến nhiều DN giảm quy mô hoạt động, thậm chí là giải thể.

Dưới góc nhìn của mình, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: nguồn thu do tăng lệ phí visa không lớn nhưng sẽ làm hạn chế cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam đang bước đầu phát triển so với các nước trong khu vực. Đối với các điểm đến ở Miền Trung, các đường bay trực tiếp đến các sân bay quốc tế ngoài Tân Sơn Nhất và Nội Bài, các cửa khẩu quốc tế mới mở, cần phải miễn/giảm lệ phí visa để khuyến khích du khách đến những nơi này và kích thích phát triển du lịch.

Ông Vinh cũng bày tỏ quan điểm việc tăng ký quỹ là thiếu hợp lý: “Tiền ký quỹ là một biện pháp hành chính bất đắc dĩ để quản lý doanh nghiệp, đến bù cho du khách nếu rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, theo tôi nên bỏ việc ký quỹ này bởi hiện nay, theo thông lệ quốc tế, các công ty Lữ hành quốc tế bắt buộc phải mua bảo hiểm cho du khách, nên việc đóng tiền ký quỹ là điều không cần thiết”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thành chia sẻ thêm: Để có thể hoạt động ổn định và phát triển, nhiều DN du lịch buộc phải vay vốn của ngân hàng với lãi suất cao để đầu tư, trong khi khoản tiền ký quỹ được gửi vào ngân hàng thì chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn với mức quá thấp là điều bất hợp lý. Theo ông Thành, từ năm 2007 đến nay, tổng số tiền ký quỹ của hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành quốc tế là một con số rất lớn, nhưng chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn. Đến nay, với thông tin chuẩn bị tăng số tiền ký quỹ lên gấp đôi thì số tiền này sẽ tăng lên tương ứng. “Chưa nhất thiết phải tăng tiền ký quỹ mà quan trọng nhất là giám sát, kiểm tra các hoạt động doanh nghiệp. Nếu có tăng thì số tiền ký quỹ cũng cần được hưởng mức lãi suất hợp lý, và tốt nhất là nên dùng số tiền lãi đó để dùng vào các hoạt động xúc tiến, quảng bá góp phần làm cho du lịch Việt Nam ngày càng phát triển.

Đại diện nhiều DN du lịch cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng các chi phí không cần thiết sẽ khiến phía doanh nghiệp lữ hành gặp nhiều khó khăn khi đàm phán lại với các đối tác. Không những vậy mà giá thành tour nội địa chắc chắn sẽ phải tăng theo, từ đó sẽ ảnh hưởng không ít đến mãi lực và tình hình tiêu thụ trong ngành du lịch. “Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam còn non trẻ so với khu vực nên cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch bền vững để thu hút du khách “Hãy nuôi gà để ấp trứng, để ấp nở nhiều gà hơn, đừng giết ngay gà để lấy thịt”, đại diện một DN nhấn mạnh.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)