Thứ Ba | 29/10/2013 11:40

Tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp: Quanh mức 14 - 15%

Tổng Liên đoàn lao động đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu khối doanh nghiệp năm 2014 là 36%, song nhiều khả năng, Chính phủ chỉ chốt lại mức 14-15%.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chính phủ đã nhận được đề xuất tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2014 từ 14 đến 17% của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ vẫn tiếp tục bàn bạc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng nhiều khả năng sẽ chốt lại ở phương án tăng 14-15% so với mức lương hiện tại.

Trong bối cảnh đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, thì việc tăng lương sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của họ.

Nhưng ngược lại, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tăng lương tối thiểu vùng lại tác động lớn đến sự tồn tại của DN, cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, để quyết định mức tăng này, Chính phủ phải tính toán rất kỹ các bài toán kinh tế.

Trước khi Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra mức đề xuất tăng 14-17% lương tối thiểu vùng năm 2014, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (cơ quan đại diện cho người lao động) đã đề nghị mức tăng cao nhất tới 36%. Trong khi đó, cơ quan đại diện giới chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lại đưa ra mức tăng đề xuất cao nhất chỉ hơn 10%.

Dù quyết định cuối cùng chưa được Chính phủ thông qua, nhưng với thông tin mà Bộ trưởng Vũ Đức Đam đưa ra, nhiều khả năng mức tăng là 14-15% mà Chính phủ đang cân nhắc sẽ được áp dụng vào thực tế.

Mặc dù mức tăng dự kiến này dẫu chưa bằng một nửa đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nhưng ý kiến phản hồi từ DN cho rằng, tăng lương vào thời điểm này vẫn không khác gì “ép chết” DN, đặc biệt là với các DN thâm dụng lao động. Hiện tại, lương tối thiểu từ vùng I đến vùng IV lần lượt là 2,35-2,1-1,8 và 1,65 triệu đồng/tháng.

Theo ông Lê Huy Quân, người phát ngôn của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, với mức tăng này, lương thực lĩnh của người lao động không tăng, bởi hiện tại, phần lớn DN đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu này. Cụ thể, tại Xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), lương trung bình của người lao động hiện ở mức từ hơn 3 triệu đến 4 triệu đồng/tháng. Vì vậy, việc tăng lương chỉ khiến DN phải trả thêm phần trăm đóng bảo hiểm xã hội, còn cuộc sống của người lao động không được cải thiện, bởi họ không được nhận thêm đồng lương nào.

“Trong khi đó, tình hình sản xuất - kinh doanh đang quá khó khăn, khi DN đã phải hoạt động cầm chừng một thời gian dài. Với hơn 2.000 công nhân, chúng tôi sẽ mất thêm cả tỷ đồng đóng bảo hiểm xã hội cho lao động, chi phí đầu vào tăng thêm, hàng hóa lại càng khó tiêu thụ. DN thay vì hoạt động ngắc ngoải, có thể sẽ chết hẳn”, ông Quân lo ngại và cho biết thêm, nếu cầm cự được, DN cũng sẽ phải cân đối thu - chi bằng cách cắt giảm chi phí, hạ các khoản phụ cấp ngoài lương, tiêu cực hơn là sa thải bớt lao động. Khi đó, việc tăng lương còn gây ra tác động ngược, thay vì cải thiện cuộc sống người lao động.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Chí Toàn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Giày Phúc Yên (Mê Linh, Hà Nội) cho biết, là đơn vị 100% gia công cho các đối tác nước ngoài, đơn hàng của Công ty vài năm gần đây sụt giảm mạnh do thị trường tiêu thụ của đối tác sụt giảm. Là đơn vị gia công nên lợi nhuận đã không cao, nay lại mất thêm nhiều chi phí bảo hiểm xã hội nếu tăng lương cho hơn 1.000 công nhân.

“Nếu Chính phủ kiên quyết tăng lương, chúng tôi sẽ phải đàm phán lại với đối tác nước ngoài để sửa đơn giá gia công trong hợp đồng, mà thực tế việc này rất khó thành công. Nếu không đàm phán được, DN không còn lợi nhuận, thậm chí sẽ lỗ. Không làm cũng chết, càng làm lại càng lỗ”, ông Toàn chia sẻ.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện