Tăng lương tối thiểu: Doanh nghiệp và người lao động bất đồng ý kiến
Cuộc họp bàn về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 giữa 3 bên, gồm Hội đồng tiền lương Quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra hơn nửa tháng trước đây đã không thành công do chưa tìm được “tiếng nói chung”.
Trong khi đại diện người lao động yêu cầu tăng 16,8%, thì phía đại diện doanh nghiệp chỉ đồng ý tăng ở mức 10%. Vậy, tăng lương tối thiểu vùng bao nhiêu % là hợp lý để vừa có lợi cho người lao động, vừa đảm bảo sự phát triển của các doanh nghiệp?.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch tập đoàn dệt may Hưng Yên cho rằng, tăng lương cơ bản cho người lao động để sau này họ được hưởng bảo hiểm xã hội, hưởng lương hưu là cần thiết, nhưng mức tăng là bao nhiêu thì phải tùy thuộc vào sự phát triển và năng suất lao động của các doanh nghiệp hiện nay.
Trong những năm vừa qua, Nhà nước liên tục tăng lương cơ bản, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nếu doanh nghiệp không phát triển, nguy cơ người lao động mất việc làm, đẩy tỉ lệ lao động trong khu vực có quan hệ lao động sang khu vực phi chính thức tăng. Điều này có thể gây hệ lụy xấu, tăng số lao động không được hưởng các chính sách sẽ hỗ trợ an sinh.
Lương tối thiểu có quan hệ mật thiết với tăng năng suất lao động và lợi nhuận của doanh nghiệp. Khi lương tối thiểu tăng, sẽ đồng thời với mức tăng khoản đóng bảo hiểm xã hội từ 1/1/2016, sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp, dẫn đến khả năng doanh nghiệp khó chịu đựng được.
Theo tính toán của ông Nguyễn Xuân Dương, Tập đoàn dệt may Hưng Yên có 13 nghìn lao động, số tiền nộp bảo hiểm xã hội năm 2014 là 80 tỷ đồng. Nếu năm nay tăng lương thêm khoảng 15%, thì Tập đoàn sẽ phải nộp thêm hơn 10 tỷ đồng nữa. Đây là con số không nhỏ. Vì vậy, tăng lương tối thiểu như thế nào để vừa đảm bảo cho doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển bền vững, vừa tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động là vấn đề cần được cân nhắc kỹ.
“Khi lương tối thiểu tăng lên thì mức tiền đóng bảo hiểm xã hội, chi phí công đoàn và các chi phí khác sẽ tăng theo. Đây là gánh nặng cho doanh nghiệp và cho cả người lao động. Những doanh nghiệp độc lập, khi lương càng tăng thì họ càng lỗ nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Vì thế, tôi cho rằng việc tăng là cần nhưng với mức độ hiện nay thì tăng khoảng 6-8% thì doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển được”, ông Nguyễn Xuân Dương nói.
Trong cuộc họp bàn phương án tăng lương tối thiểu vùng, mới đây, VCCI đồng ý với mức tăng 10%, nhưng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mức này chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người lao động. Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam: Hiện nay, mức thu nhập bình quân ở Hà Nội là hơn 4 triệu đồng/người/tháng.
Trong điều kiện nền kinh tế đang khởi sắc, lạm phát được kiềm chế thì mức tăng trên 16% là hợp lý, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ: “Bức tranh kinh tế sáng sủa hơn năm ngoái thì không có lý gì tăng lương lại thấp hơn năm ngoái, đời sống công nhân cũng phải được cải thiện theo chứ. Không tăng hơn thì ít nhất cũng phải bằng thì đã là giảm rồi. Năm ngoái tăng hơn 14% (tăng khoảng 400 nghìn đồng). Bây giờ lại đưa xuống 350 nghìn đồng thì chắc chắn người công nhân người ta không chấp nhận. Doanh nghiệp nào cũng nói người lao động là tài sản quan trọng nhưng cứ nói đến tiền lương thì cò kè từng đồng một. Dù thế nào thì ít nhất cũng phải bằng năm ngoái, để người lao động thấy là năm ngoái tăng 400 nghìn, năm nay kinh tế sáng sủa hơn vẫn tăng 400 nghìn thì cũng có thể chấp nhận”
Đánh giá về đề xuất của 2 bên, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, khoảng cách chênh lệch giữa 2 bên còn quá xa. Phía VCCI đồng ý tăng 10 %, còn phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ đề xuất mức tăng khoảng 16% . Do không thống nhất được mức tăng nên Chủ tịch Hội đồng tiền lương đã dừng cuộc họp.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng phương án tăng khoảng trên 10 % là hợp lý. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%.
“Phía Tổng Liên đoàn lao động phân tích, đưa ra các lý lẽ thì chúng tôi cũng thấy là hoàn toàn hợp lý nhưng phía người sử dụng lao động cũng có rất nhiều áp lực. Trong bối cảnh cạnh tranh, các chi phí đầu vào tăng. Đặc biệt, ngoài tăng lương tối thiểu, bắt đầu từ 1/1/2016, chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi làm cho áp lực tăng chi phí doanh nghiệp lên, khả năng doanh nghiệp rất khó chịu đựng ở mức đó. Trong trường hợp bỏ phiếu nhiều lần không chọn được thì cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng tiền lương sẽ phải quyết định phương án. Theo tôi, phương án tăng trên 10% một chút là phù hợp”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Dự kiến đầu tuần tới, Hội đồng Tiền lương quốc gia tiếp tục họp 3 bên, bàn giải pháp tìm ra phương án tăng lương tối thiểu ở mức hợp lý, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống của người lao động.
Nguồn VOV