Nhà máy Samsung tại Việt Nam.
Tăng khả năng kết nối với chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI
Trong cuộc họp giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Phòng Thương mại châu Âu (Euro Charm) diễn ra vào chiều ngày 3.7.2018, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh tới việc doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ khả năng cung ứng cho các doanh nghiệp FDI hàng đầu như Samsung.
Ông Lộc thông tin thêm, sắp tới, VCCI sẽ sang Singapore công bố đề án năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Theo đó, VCCI sẽ chọn ở mỗi địa phương những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm năng, hỗ trợ đào tạo các doanh nghiệp này và tìm cách kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
"Doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi mở rộng quy mô, trong đó đối diện nhiều phức tạp trong quản lý và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này cần sự hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI", ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCharm và đồng Chủ tịch VBF giữa kỳ 2018, chia sẻ. Ông Tomaso khẳng định các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam sẵn sàng trả lương ở mức cao hơn cho lao động Việt Nam với điều kiện năng suất của người lao động gia tăng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (cung cấp trực tiếp cho Samsung) của Samsung tại Việt Nam là hơn 200 doanh nghiệp, trong đó có 29 doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 này dự kiến sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong nhiều năm qua Samsung nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, bao gồm việc tổ chức các hội thảo công nghiệp hỗ trợ thường niên để kết nối các nhà cung ứng Việt Nam có tiềm năng; thực hiện Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Hàn Quốc.
Cũng theo báo cáo của Samsung, tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm tại Việt Nam của hãng này đã tăng từ 35% năm 2014 lên 57% tại thời điểm tháng 4.2017.
Tại Việt Nam, hiện Samsung đã đầu tư 17 tỉ USD (vốn thực hiện khoảng 10 tỉ USD), có 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM, tạo việc làm cho 136.700 lao động với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/ tháng.
Mới đây nhất, để tăng sự lan tỏa và nâng cao hiệu quả của Chương trình, Samsung đã hợp tác với Bộ Công Thương nhằm đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam trong 2 năm (2018 và 2019). Các chuyên gia này được kỳ vọng sẽ đào tạo lại và tư vấn cho các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam để họ nâng cao năng lực và có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp toàn cầu. Dự kiến khóa học đầu tiên với 25 chuyên gia sẽ bế giảng vào đầu tháng 7 này.