Nhu cầu dược liệu của thế giới vẫn ngày càng tăng, nhiều người trẻ Việt Nam đã nắm bắt cơ hội này và kinh doanh khá thành công. Ảnh: TL
Tăng giá trị cho dược liệu Việt
Những ngày cuối cùng của năm 2020, Hợp tác xã Sunfood Dalat và Công ty Veron Asset (Hàn Quốc) đã được trao giấy chấp nhận chủ trương hợp tác - đầu tư sản xuất nhân sâm mầm theo giải pháp smart farm (nông nghiệp thông minh) trên địa bàn huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, dự án sẽ triển khai mô hình thí điểm trên diện tích 3,7 ha trồng nhân sâm mầm Hàn Quốc theo phương pháp thủy canh tại xã Đạ Đờn. Nhân sâm mầm được trồng theo kỹ thuật nông nghiệp thông minh trong từng container với diện tích 28 m2/ container, đạt năng suất khoảng 25 kg/tháng. Sản xuất và thu hoạch liên tục 12 tháng/năm. Veron Asset đầu tư nguồn giống, kỹ thuật công nghệ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch. Dự kiến mô hình trồng nhân sâm mầm Hàn Quốc sau đó sẽ nhân rộng trên tổng diện tích 33 ha trên xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà gắn sản xuất với chế biến, du lịch canh nông, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho nông dân trên địa bàn.
Nhu cầu dược liệu của thế giới vẫn ngày càng tăng, nhiều người trẻ Việt Nam đã nắm bắt cơ hội này và kinh doanh khá thành công. Điển hình mới đây là Nguyễn Quốc Minh Ngữ, chủ nhân của Đồng Xanh, doanh nghiệp trồng rau củ quả tại Đà Lạt. Trong một lần thực tế khảo sát vùng rau Đà Lạt, nhóm chuyên gia của Công ty Cổ phần Han Kyeol (Hàn Quốc) tình cờ gặp Minh Ngữ rồi tiến đến ký hợp tác sản xuất nhân sâm, thảo dược Hàn Quốc tại Đồng Xanh theo cơ chế hợp tác: Đồng Xanh đầu tư đất canh tác trong nhà kính để trồng nhân sâm và thảo dược; phía công ty của Hàn Quốc chịu trách nhiệm về giống, kỹ thuật chăm sóc...; sau khi thu hoạch, lợi nhuận chia đôi. Hiện nay, hai bên đang hợp tác trồng 4.000 m2 sâm núi và 5 loại thảo dược Hàn Quốc. Cuối năm 2020 thảo dược được thu hoạch, mang lại nguồn thu khá hấp dẫn cho ông chủ trẻ Minh Ngữ.
Cùng có niềm đam mê với dược liệu, chị Nguyễn Thị Huyền, CEO của Công ty Vinasamex, chuyên sản xuất và xuất khẩu quế, hồi Việt Nam, đã đưa sản phẩm đến hàng loạt thị trường khó tính như EU, Bắc Mỹ, Bắc Á... sau gần 10 năm khởi nghiệp. Năm 2015 nữ doanh nhân khi đó mới 27 tuổi đã cùng chồng bắt đầu một công việc đầy thử thách, đó là thuyết phục đồng bào thiểu số ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái thay đổi quy trình trồng, chăm sóc quế, hồi theo quy trình hữu cơ.
Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, chỉ có vài người dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Vinasamex và làm theo quy trình mới. Sau một năm, những hộ dân làm cùng Vinasamex đem lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập được cải thiện đáng kể, từ đó nhiều hộ dân đăng ký làm theo. Công ty luôn thực hiện đúng cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 10% nên người dân dần tin tưởng và đồng hành với Vinasamex.
Hiện Vinasamex sở hữu 4.000 ha quế, hồi hữu cơ, liên kết với 3.000 hộ nông dân tại Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai. Ảnh: TL. |
Có hợp đồng với Vinasamex, nông dân còn nhận được những hỗ trợ khác như công cụ thu hái an toàn hơn, chi phí để tới tham dự các buổi đào tạo được tổ chức dưới sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ. Sau khi cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu, đến năm 2017 Vinasamex được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ, Nhật, châu Âu và một số chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm, chứng nhận tiểu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), chứng nhận Fair Trade (thương mại công bằng) và For Life (công ty có trách nhiệm xã hội). Nhờ các chứng nhận này, so với mặt bằng chung, những sản phẩm quế, hồi hữu cơ của Vinasamex được bán giá cao hơn 30-50%, thậm chí có thị trường trả giá cao hơn 100%.
“Một công ty ở Ðức sẵn sàng trả giá cho Vinasamex cao hơn so với giá ban đầu khi họ hiểu được cách thức và những giá trị chúng tôi mang lại cho người nông dân. Ngày trước xuất sang Ấn Độ loại quế cấp thấp giá chỉ 2.000 USD/tấn, nhưng khi xuất sang thị trường cao cấp, giá có thể đạt 5.000 USD, có những khi lên đến 7.000 USD. Chúng tôi xác định không tập trung vào sản lượng mà phải đầu tư cho giá trị sản phẩm. Bán ít nhưng giá trị phải cao”, chị Huyền chia sẻ.
Hiện Vinasamex sở hữu 4.000 ha quế, hồi hữu cơ, liên kết với 3.000 hộ nông dân tại Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai. Năm 2018 Vinasamex đã xây dựng nhà máy rộng 15.000 m2 với hệ thống máy móc hiện đại cho công suất sấy 20 tấn hàng tươi/ngày và thành phẩm 15 tấn hàng khô với vốn đầu tư lên tới trên 200 tỉ đồng. Danh mục sản phẩm chế biến từ quế, hồi khá đa dạng, từ quế ống, tinh dầu quế, tinh dầu hồi, hoa hồi nguyên cánh, bột hồi, bột quế... Sản lượng xuất khẩu năm 2018 của Công ty đạt 1.000 tấn.
Chị Huyền cho biết, hầu hết các công ty trong nước không đủ năng lực để tự xây dựng một đội ngũ nghiên cứu riêng, do đó việc hợp tác với những viện nghiên cứu thế giới là tất yếu. Hiện Vinasamex hợp tác với đối tác Nhật để phát triển những sản phẩm mới. Công ty kỳ vọng có thể học tập được công nghệ từ Nhật để giảm lệ thuộc trong thời gian tới. Việt Nam hiện có hơn 100 doanh nghiệp làm về quế, hồi, nhưng chủ yếu làm thương mại, xuất khẩu nguyên liệu. Chỉ khoảng 10 doanh nghiệp tinh chế các sản phẩm này và có chứng nhận quốc tế về chất lượng sản phẩm.