laodong.vn

 
Hải Vân Thứ Sáu | 16/03/2018 08:40

Tăng GDP và nút thắt năng suất

Tăng năng suất trở thành vấn đề cấp thiết nhưng các bộ ngành và nhiều doanh nghiệp vẫn cho đây là việc của Chính phủ.

Với giả định tăng năng suất khiêm tốn, Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm 3,5% vào 2030, ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank tại Việt Nam, nói như vậy tại buổi "Báo cáo về lợi ích của Việt Nam", ngày 9/3.

Áp lực tăng thêm khi năng suất trở thành yếu tố căn bản làm tăng GDP trong bối cảnh tăng vốn vẫn quan trọng nhưng không còn đột phá trong thời gian tới, tăng lao động không còn nhiều và khả năng nhiều nhất giúp tăng GDP tăng thời gian tới vẫn tập trung vào năng suất lao động.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, cho rằng, Việt Nam vẫn còn dư địa để gia tăng tốc độ tăng năng suất trong nền kinh tế bằng cách phân bổ lại nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, tính chia chung của năng suất Việt Nam sẽ vẫn thấp nếu nước ta tiếp tục dồn nguồn lực vào những khu vực năng suất thấp như hiện nay. Nông nghiệp đang là lĩnh vực được tập trung nguồn lực, nhưng năng suất nông nghiệp chỉ bằng 1/3 khu vực công nghiệp, dù chiếm tới 40% lực lượng lao động.

Về lý thuyết, năng suất của một nền kinh tế bao gồm năng suất của các ngành cộng lại. “Năng suất chỉ thay đổi khi nước ta tìm được giải pháp cũng như có sự tác động đúng”, ông Tuấn nói.

Nút thắt quan trọng

Kết quả “đầu ra chia cho người lao động” quá thấp khiến năng suất của Việt Nam rất thấp, thấp hơn cả Lào. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động toàn nền kinh tế Việt Nam, theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD), chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào, bất chấp đây là năm Việt Nam có GDP tăng cao nhất trong 5 năm quá, mức 6,81%.

Đánh giá của ông Tuấn, người có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực năng suất, mức năng suất lao động Việt Nam hiện nay rất thấp cho thấy mức tập trung khai thác hiệu quả của các yếu tố như vốn, lao động còn thấp.

Nước ta đề cập nhiều đến vấn đề năng suất, nhưng chưa tập trung nguồn lực cho tăng năng suất, cả nguồn lực chính sách lẫn nguồn lực tài chính. Doanh nghiệp Việt Nam chưa coi cải tiến năng suất là một trong những chiến lược.

“Doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm nhiều yếu tố khác nhanh hơn, dễ hơn. Nhiều doanh nghiệp vẫn “làm kinh tế bằng quan hệ” và điều này là một trong những yếu tố tác động nặng nề đến năng suất”, ông Tuấn nói.

Bắt đầu từ yếu tố con người

Dự án WISE, một chương trình hỗ trợ “Đào tạo chuyên gia năng suất nhằm cải thiện môi trường làm việc và nâng cao mức độ thỏa mãn của người lao động”đã được triển khai từ 2 năm, hỗ trợ gần 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp.

Theo ông Kazuteru Kuroda, chuyên gia về năng suất lao động thuộc Trung tâm năng suất Nhật Bản, việc không nhìn ra vấn đề cần cải tiến nâng cao năng suất đang là một yếu tố khiến doanh nghiệp không mặn mà với tăng năng suất, bởi trong một doanh nghiệp có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đang có thêm những doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề năng suất. “Phải có đội ngũ chuyên gia giúp doanh nghiệp”, ông Kazuteru Kuroda nói. Theo ông, việc thay đổi năng suất trước hết phải “bắt đầu từ yếu tố con người” và sự cải tiến điều kiện làm việc của họ.

Ông dẫn chứng việc nước Nhật trước đây cũng phải học từ Mỹ kinh nghiệm cải tiến trong doanh nghiệp, bởi Mỹ là nước đi đầu về năng suất cao. Các doanh nghiệp của Nhật đã dựa vào công thức “tổng GDP chia cho tổng lao động” của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) để cải thiện năng suất của mình, cũng như tái thiết đất nước sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. GDP Nhật đã tăng lên rất nhiều, từ 270 USD/người của 60 năm trước đã tăng lên 40.000 USD vào năm 2015.

Trong khi chưa có được các chương trình toàn diện, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, năng suất liên quan đến nhiều bộ ngành, không có đầu mối để báo cáo, giải quyết và xử lý những vấn đề liên quan. Việc thiếu một “nhạc trưởng” đã khiến các bộ ngành mạnh ai nấy làm, hiệu quả không cao.  

Hiện nay, ngành thống kê chỉ có một vài con số, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ nhìn năng suất ở khía cạnh chính sách vĩ mô, trong khi vấn đề cụ thể của năng suất trong doanh nghiệp lại thuộc các Bộ Công thương, Nông nghiệp, Xây dựng hay Giao thông.

Yếu tố về khoa học công nghệ cũng được nói nhiều là một số những yếu tố then chốt để mà góp phần nâng cao năng suất lao động. Nhưng những chương trình của Bộ Khoa học và công nghệ, về năng suất thời gian qua vẫn chưa thật rõ ràng.

Chính phủ cần chọn một đầu mối làm “nhạc trưởng” trong việc này để xử lý những vấn đề nội tại, tập trung vào những ngành cụ thể để tìm giải pháp cho thời gian tới, ông Tuấn khuyến cáo

Một tin tốt là Chính phủ mới đây đã giao cho các bộ ngành liên quan, chẳng hạn như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất những chương trình hành động cụ thể. Và trong tháng này, Chính phủ cũng sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề năng suất.