Tăng cường kết nối tiêu thụ đường niên vụ 2016/2017
Các nhà máy mía đường, công ty thương mại và các công ty dùng đường làm nguyên liệu sản xuất, vừa họp với nhau tại TP HCM để bàn giải pháp tiêu thụ đường niên vụ 2016/2017 một cách hiệu quả nhất, có lợi cho cả nhà sản xuất lẫn bên mua đường.
Theo Bộ NN-PTNT, tổng nguồn cung đường trong năm 2017 là 1.752.490 tấn, gồm tồn kho đầu kỳ 283.490 tấn, sản xuất 1.350.000 tấn, nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan và NK từ Lào là 119.000 tấn. Trong khi đó, dự tính của Bộ Công Thương về nhu cầu đường trong năm 2017 là 1.600.000 tấn. Như vậy, lượng đường dư vào cuối kỳ là 152.490 tấn. Đấy là chưa kể lượng đường nhập lậu tham gia vào thị trường.
Một điều đáng ghi nhận đối với sản xuất đường ở nước ta là chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. Điều này được khẳng định từ chính các công ty thương mại và công ty sử dụng đường làm nguyên liệu. Đại diện Tập đoàn Thành Thành Công cho hay, đường RE của Việt Nam hiện nay đã đạt chuẩn về chất lượng. Đường RS cũng đã được cải thiện nhiều về chất lượng và đã được các nhà sản xuất dùng đường làm nguyên liệu chấp nhận.
Ông Đỗ Thành Liêm, TGĐ Cty TNHH đường Khánh Hòa, khẳng định, chính sức ép của các nhà sử dụng đường làm nguyên liệu khi đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng đường RE và RS, đã khiến cho các nhà máy đường phải nỗ lực đầu tư về công nghệ để cải thiện chất lượng đường Việt Nam.
Chính vì vậy, các nhà sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu đều mong muốn mua đường sản xuất trong nước để có thể kiểm soát được chất lượng, hơn là dùng đường NK. Vấn đề là làm sao để sự kết nối giữa nhà máy đường với các công ty thương mại, nhà sản xuất sử dụng đường làm nguyên liệu, ngày càng chặt chẽ hơn. Bởi thực tế trong năm qua cho thấy vẫn xảy ra tình trạng khi giá đường lên thì nhiều nhà máy đường không bán đường ra, còn khi giá xuống, các công ty thương mại lại không mặn mà với việc mua đường từ các nhà máy.
Trong bối cảnh ấy, việc Cty TNHH Mía đường Nghệ An Tate & Lyle (NASU) thí điểm thực hiện phương thức bán hàng bằng hình thức đấu thầu với các khách hàng trong niên vụ 2015/2016, đã mở ra một hướng đi mới cho việc mua – bán đường ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Mai, GĐ bán hàng của NASU, cho biết, công ty đã chia khách hàngg ra thành 2 nhóm, gồm nhóm sử dụng đường làm nguyên liệu và nhóm thương mại, đồng thời cũng chia lượng đường sẽ cung ứng cho 2 nhóm này. Với các khách hàng sử dụng đường làm nguyên liệu, công ty lên kế hoạch cung ứng lượng đường trong từng quý và cả năm với giá ổn định.
Với các công ty thương mại, NASU chia lượng đường bán hàng trong 52 tuần. Đầu mỗi tuần sẽ có thông báo giá bán ở mức cả bên mua lẫn bên bán đều hài lòng. Với cách làm trên, NASU đã đảm bảo cung cấp đường cho các khách hàng trong suốt cả năm, không để xảy ra tình trạng khách hàng bị hụt nguồn cung.
Mô hình của NASU được nhiều khách hàng, chuyên gia ngành đường đánh giá cao. Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng mô hình bán đường kiểu mới của NASU là rất tốt, nên được nhân rộng ra các nhà máy đường khác.
Bên cạnh đó, để sự kết nối giữa bên mua và các nhà máy đường ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, nhiều ý kiến cho rằng cả 2 bên đều phải thông qua cho nhau (thông qua Hiệp hội Mía đường Việt Nam) một cách cụ thể, rõ ràng về nhu cầu tiêu thụ, kế hoạch cung ứng…
Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, cả bên mua và các nhà máy cần phải xây dựng kế hoạch, sản xuất tiêu thụ đường và thông báo cho nhau ngay từ đầu vụ. Giá đường cũng phải được thống nhất sao cho nhà máy đường có được lợi nhuận cần thiết, còn nhà thương mại và nhà sử dụng đường làm nguyên liệu có thể chấp nhận được. Giá mua bán đường giữa 2 bên cần phải mang tính ổn định để các nhà sử dụng đường làm nguyên liệu có thể tính toán được giá thành sản xuất của mình....
Nguồn Báo Nông nghiệp Việt Nam