Tăng bậc lương với người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề làm việc trong doanh nghiệp
Theo Thông tư 20/2012/TT-BLĐTBXH vừa ban hành, người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 3 (quy định cũ là bậc 2) của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh của nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 4 (quy định cũ là bậc 3) của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành phục vụ.
Người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử - tin học; xây dựng cơ bản, luyện kim, hoá chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 4 của thang lương 6 hoặc 7 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng. Nếu là tốt nghiệp trung cấp nghề thì xếp vào bậc 3 của thang lương 6 hoặc 7 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.
Tăng 1 bậc lương trường hợp tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc văn thư
Đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 2 (Quy định cũ là bậc 1) của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 3(Quy định cũ là bậc 2) của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.
Bên cạnh đó, đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử-tin học; xây dựng cơ bản; luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 3 trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.
Người làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành còn lại thì xếp vào bậc 3 (quy định cũ là bậc 2) trong thang lương 7 bậc hoặc thang lương 6 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.
Người tốt nghiệp cao đẳng nghề, trung cấp nghề làm công việc của chức danh nhân viên văn thư, nhân viên phục vụ và làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử-tin học; xây dựng cơ bản; luyện kim, hóa chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí đã xếp lương theo quy định tại Thông tư ngày 26/9/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì thực hiện chuyển xếp lại lương theo đúng quy định tại Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2012.
Nguồn Chinhphu.vn