Mai Hân Thứ Hai | 07/11/2016 12:30

Tan vỡ giấc mộng PVTex

Những doanh nghiệp như PVTex tiếp tục gây khốn khó cho tương lai dệt may trong nước.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex), chủ đầu tư dự án ngàn tỉ thua lỗ, đã vắng mặt nhiều ngày qua mà không được sự chấp thuận từ lãnh đạo. Thông tin này khiến dư luận càng quan tâm hơn đến số phận của dự án tự sản xuất nguyên liệu sợi, dệt cho công nghiệp dệt may Việt Nam. Trong khi dệt may Việt Nam trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài, những doanh nghiệp như PVTex tiếp tục gây khốn khó cho tương lai dệt may trong nước.

Ngoại hối hả đầu tư

Mới đầu tư tại Việt Nam thời gian ngắn nhưng kho ngoại quan của Công ty Huntsman Textile Effects thuộc Tập đoàn Huntsman, Mỹ, chuyên cung cấp thuốc nhuộm và hoá chất trong ngành dệt may, đã hoạt động hết công suất. Lý do vì nhu cầu sử dụng các sản phẩm này của các nhà máy xơ sợi mới đầu tư vào Việt Nam đang rất lớn.

Chỉ trong khoảng 2 năm vừa qua, hàng loạt các nhà máy sợi dệt của các nước Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí Ấn Độ... đã đầu tư ồ ạt vào Việt Nam để chuẩn bị đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó, nhiều nhà máy sợi trong nước muốn đầu tư nhưng bị các tỉnh từ chối vì lo ngại ô nhiễm môi trường. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng có sự phân biệt đối xử trong thu hút đầu tư khi nhiều địa phương đã từ chối các dự án của nhà đầu tư trong nước, nay lại “trải thảm” đón nhà đầu tư Trung Quốc.

Nhà sản xuất sợi tơ cotton Nhật Shikibo sẽ giảm khối lượng sản xuất ở nhà máy may Trung Quốc và tăng sản lượng nhà máy đối tác ở Việt Nam. Chi nhánh Osaka của Công ty Sản xuất sợi tổng hợp Kuraray đã đầu tư khoảng 2,51 triệu USD để lắp đặt dây chuyền sản xuất đồ thể thao ở thành phố Đà Nẵng. Năm 2014, nhà máy Itochu của Nhật đã xây dựng chi nhánh ở Việt Nam thành lập một nhà máy dệt may với năng suất 500.000 mét vải/tháng.

Số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho thấy, tính đến hết  năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành dệt may của Việt Nam đã chạm ngưỡng kỷ lục 2 tỉ USD. Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ cuối năm ngoái khi Hiệp định TPP chưa được ký kết, đã có khoảng 810 doanh nghiệp Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu là dệt may.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư dự án 400 triệu USD khu công nghiệp dệt may tại Nam Định, dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương. Tại TP.HCM, Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico, Đài Loan cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited thuộc Tập đoàn Shenzhou International của Trung Quốc đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp.

Những DN FDI đầu tư để đón đầu hưởng lợi từ các FTA và TPP đều có vốn mạnh, công nghệ cao và có sẵn thị trường ở nước ngoài. Trong xu hướng này, nhà đầu tư Ấn Độ cũng ráo riết tìm đất xin đầu tư nhà máy sản xuất dệt, sợi tổng hợp và tơ nhân tạo. Tổng lãnh sự Ấn Độ cho biết các nhà đầu tư nước này đang rất quan tâm tìm giải pháp gắn kết công nghiệp hỗ trợ từ Ấn Độ với các nhà sản xuất may mặc Việt Nam, nhằm tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do sắp tới.

Hiện doanh nghiệp dệt may trong nước phải phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài. Vì thế, nhiều lo ngại cho rằng doanh nghiệp nội địa sẽ sớm rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong nước, hiện chỉ có Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là đầu tư mạnh cho các khâu sản xuất sợi, dệt nhuộm... Từ năm 2013, Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may... với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án có khả năng đáp ứng 50-60% nhu cầu của toàn Tập đoàn.

Vinatex đã đưa 3 dự án sản xuất sợi đi vào hoạt động là Nhà máy Sợi Phú Bài 2, Nhà máy Sợi Vinatex - Hồng Lĩnh, Nhà máy Sợi Đồng Văn. Nhiều dự án sản xuất nguyên phụ liệu sợi khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sản xuất. Tổng Công ty 28, Công ty Dệt may Thành Công, Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú cũng đang đầu tư hoặc xúc tiến hợp tác với các tập đoàn Nhật, Đài Loan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu sợi phục vụ cho ngành dệt may.

Để giải bài toán nguồn nguyên liệu trong nước, Tổng Công ty 28 đã tìm phương án hợp tác với một đối tác Nhật để sản xuất nguyên phụ liệu vải len. “Chúng tôi đã ký một hợp đồng hợp tác trong 10 năm với Tập đoàn Sotoh. Đây là tập đoàn lớn nhất của Nhật (chiếm 40% thị phần tại thị trường nội địa) về vải len. Giai đoạn 1, họ sẽ cung cấp các thiết bị hoàn tất vải len, cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi với công suất trước mắt là 5 triệu m vải/năm”, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 28, cho biết.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký thỏa thuận hợp tác với Vinatex, thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) để quản lý, đầu tư xây dựng Dự án Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, tại Khu Kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng vào năm 2007. Dự án này có mục tiêu dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, giúp Việt Nam tự chủ một phần nguyên liệu dệt may, thay thế nguồn sợi tổng hợp polyester vốn phải nhập khẩu có giá trị lên tới 1,6 tỉ USD/năm. PVTex được thiết kế để sản xuất 500 tấn xơ sợi/ngày.

Nội nguy cơ phá sản

Tuy nhiên, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã chậm trễ 2 năm so với quy định và năm 2012 mới chính thức đi vào hoạt động. Trong suốt 2 năm vận hành, nhà máy không ngừng thua lỗ với con số 1.472 tỉ đồng.

Có lẽ thấy dự án không được như dự tính ban đầu, Vinatex đã thoái vốn hoàn toàn vào năm 2014. Từ đầu năm 2015, nhà máy đã phải dừng hoạt động. Sau vài tháng hoạt động trở lại nhưng PVTex  tiếp tục lỗ 3,34 triệu đồng/tấn. Giải pháp hạ giá thành sản phẩm không giúp PVTex thoát lỗ và chính thức “đắp chiếu” nhà máy.

Tan vo giac mong PVTex
Việt Nam phải nhập khẩu mỗi năm hơn 1,6 tỉ USD sợi tổng hợp để phục vụ cho ngành dệt may. Ảnh: baodauthau.vn

Hầu hết các doanh nghiệp dệt đều cho rằng sợi của PVTex có giá cao hơn thị trường, trong khi chất lượng chưa tương ứng nên khó tiêu thụ. Ngoài yếu tố, sản phẩm kém chất lượng, khách hàng không mặn mà, tồn kho lớn, còn nguyên nhân khách quan từ thị trường xơ sợi không thuận lợi, biến động giá nguyên, nhiên liệu, ảnh hưởng đến giá bán xơ sợi, vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh còn thiếu, lãi suất ngân hàng làm tăng chi phí sản xuất.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc PVN, thời điểm đi vào vận hành nhà máy rơi đúng vào lúc thị trường xơ sợi polyester trong và ngoài nước đang rơi vào chu kỳ đi xuống. Cũng lúc này, giá dầu thô liên tục giảm sâu, không theo quy luật dự báo, thị trường bông và dệt may biến động đi xuống làm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh sản phẩm. Bên cạnh đó, xơ sợi polyester là mặt hàng mới lần đầu tiên do doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất. Vì vậy, cần phải có thời gian để hoàn thiện sản phẩm và xây dựng, phát triển thị trường. Đồng thời, do Công ty mới hoạt động nên chi phí khấu hao và lãi vay rất lớn, không thể cạnh tranh giá với các nhà máy của Đài Loan, Trung Quốc.

Theo chuyên gia trong ngành, dự án này khi hoàn thành, mức vốn đầu tư lên đến 7.000 tỉ đồng, gấp đôi so với bình thường nên thay vì mục tiêu 9 năm hoàn vốn thì phải 20-30 năm mới có lợi nhuận. Vị trí nhà máy xa trung tâm, nếu ước tính chi phí vận chuyển sản phẩm của PVTex từ Hải Phòng vào TP.HCM cũng cao hơn các đối thủ khác khoảng 2% doanh thu, tương đương 40 tỉ đồng/năm. Sản phẩm sợi tổng hợp lại không được hưởng chính sách ưu đãi nên chi phí càng cao.

Giải pháp là bán hoặc hợp tác liên doanh cũng được đưa ra để giải cứu PVTex. Bộ Công Thương yêu cầu PVN khẩn trương đàm phán với các đối tác để thống nhất phương án hợp tác và báo cáo Bộ Công Thương kết quả trong tháng 8.2016. Sau đó, PVTex tìm được 2 đối tác lớn là Tập đoàn Indorama (Ấn Độ) và Tập đoàn Fortrec Chemicals (Singapore).

Không chấp nhận chịu chi phí khấu hao máy móc, Fortrec Chemicals đưa ra điều kiện nếu máy móc trơn tru, họ sẽ cung cấp nguyên liệu chạy thử và sản phẩm chỉ cần đạt đủ công suất, còn kỹ thuật sẽ căn chỉnh cho phù hợp. Fortrec Chemicals đồng ý ký hợp đồng với PVTex 2 năm, trong đó họ lo đầu ra sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam với giá cạnh tranh. Nhưng đến nay, PVN vẫn chưa trả lời, đối tác Fortrec Chemicals đang cần đầu tư nhưng vẫn phải chờ đợi. Vì thế, nguồn vốn nhà nước lại tiếp tục treo lơ lửng tại PVTex.

Mai Hân