Quý Hòa
Tận thu không bằng chống thất thoát
Tăng thu bằng cách nâng cao các mức thuế khó tạo được sự đồng thuận. Thay vào đó, phải nỗ lực chống thất thoát thuế, ngân sách.
Nhận diện một cách tăng thu
Khi những băn khoăn của dư luận về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính còn chưa kịp lắng xuống, lần thứ 3, có thông tin Bộ Công Thương đề xuất dán tem cho sản phẩm bia trên thị trường, dự kiến mang lại hơn 2.000 tỉ đồng mỗi năm cho ngân sách. Mặc dù phương án đã không được Bộ xem xét nhưng không ít dư luận cho rằng, động thái này là nhằm cân đối lại khoản thiếu hụt ngân sách.
Đặt trong bối cảnh bội chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2017, dù thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, vẫn ở mức 20.100 tỉ đồng, đề xuất nói trên phải được đánh giá là “nhất cử lưỡng tiện” khi vừa thu thêm tiền, vừa thực hiện trọn vẹn trách nhiệm quản lý nhà nước. Dù người ta dễ đánh đồng việc dán tem bia như một hình thức tăng thu mới, không thể bác bỏ thực tế, bia không nên được coi là sản phẩm khuyến khích tiêu dùng. Thêm chi phí, người dùng trả thêm tiền, đồng nghĩa, động cơ tiêu dùng sẽ giảm.
Mổ xẻ vấn đề khách quan hơn, đề xuất dán tem bia, thậm chí, phải được coi là cách tiếp cận tương đối hợp lý nếu đặt mục tiêu tăng thu cho ngân sách. Theo khái toán của Bộ Công Thương, dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến các chuyên gia, chênh lệch giữa sản lượng bia khai báo nộp thuế với sản lượng thực tế lên tới 7-10%. Tạm tính theo số liệu thu ngân sách từ bia năm 2016 là 30.000 tỉ đồng, số tiền thất thu thuế ở sản phẩm này vào khoảng 2.100-3.000 tỉ đồng/năm. Nếu điều Bộ Công Thương thực sự muốn thay đổi là chuyển dòng tiền từ nhóm lợi ích sang chiếc túi ngân sách, hỗ trợ Bộ Tài chính giảm thiểu thất thoát thuế, dán tem bia là một giải pháp tiềm năng. Khi đó, rắc rối của việc sản phẩm đội một vài trăm đồng hoàn toàn có thể xử lý hài hòa, để doanh nghiệp không thể viện vào cớ này mà tăng giá sản phẩm.
Trao đổi với NCĐT về vấn đề này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, lý giải, ngân sách mất cân đối, chi lớn hơn thu đòi hỏi phải tái cơ cấu ngân sách, bao gồm cả 2 nhiệm vụ tăng thu và giảm chi. Với vai trò thừa hành như Bộ Tài chính, trách nhiệm chính đặt ra là phải cơ cấu nguồn thu. Tuy nhiên, thực tế vừa ghi nhận, tăng thu bằng cách tăng thuế không thể tạo được sự đồng thuận. “Giải pháp ngắn hạn là tăng thu bằng cách chống thất thu từ trốn thuế, chuyển giá... Về dài hạn, kinh nghiệm của thế giới là phải biết nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu chỉ tận thu thì không bao giờ có nguồn thu bền vững và ổn định”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Tiếp cận theo cách này, một “mỏ vàng” cho ngân sách đã được phát lộ. Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào báo cáo rà soát của Tổng cục Thuế tính từ 1.7.2014 đến 30.11.2016, có 60 trường hợp doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cổ phần được cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tất cả các trường hợp này đều chuyển từ đất sản xuất kinh doanh sang cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê.
Nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, khả năng xảy ra thất thoát trị giá vài ngàn tỉ đồng có thể đoán trước. Những thất thoát như trên không chỉ nằm ở đất vàng, đồng nghĩa, khả năng tăng thu từ việc bịt lỗ hổng thất thoát lớn hơn rất nhiều so với những hình dung của dư luận. Nhờ đó, sẽ không còn nữa những câu chuyện như tăng VAT hay tăng thuế môi trường đánh vào sản phẩm xăng dầu...
Nuôi dưỡng nguồn thu
Một gợi ý khác cho cân đối ngân sách hiện nay bất ngờ đến từ ông Eric Sidgwick, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á mới đây, ông Eric Sidgwick cho rằng, thuế suất ở Việt Nam không phải quá cao nếu so với mức trung bình thế giới, nhưng Việt Nam miễn thuế quá nhiều, đặc biệt là cho các doanh nghiệp FDI. Vị chuyên gia ADB khuyến nghị, Việt Nam cần cơ cấu lại thuế và xem xét lại vấn đề miễn giảm thuế.
Quả thật, mặt trái của thảm đỏ FDI đã được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước chỉ ra. Không phủ nhận, trong cỗ máy kinh tế Việt Nam hiện tại, động cơ rất mạnh của thành tích xuất khẩu, cũng như tăng trưởng GDP là từ nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, không một nền kinh tế nào lại chọn dựa vào nguồn lực nước ngoài mà tước đi cơ hội trưởng thành và lớn mạnh của bộ phận kinh tế trong nước.
Nói như Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam phải bước qua giai đoạn cần vốn, tăng cường đến mức tối đa lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài để họ chọn thị trường Việt Nam. Đã đến lúc phải rà soát lại chính sách ưu đãi và lựa chọn doanh nghiệp FDI, không nên lóa mắt bởi những thành tích xuất khẩu chỉ mang lại giá trị gia tăng cho nước ngoài, còn Việt Nam chỉ nhận được phần lợi ích từ gia công giá rẻ.
Tính toán của Tiến sĩ Bùi Trinh củng cố chắc chắn hơn nhận định nói trên. Theo đó, nhìn vào số liệu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nhóm ngành công nghiệp, tỉ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất giảm từ 34,7% năm 2007 xuống chỉ còn 21,7% vào năm 2015. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, dù tỉ trọng xuất khẩu của FDI tăng từ 57% năm 2005 lên gần 70% trong năm 2015, nhưng tỉ trọng đóng góp về giá trị gia tăng trong GDP của khu vực này lại tăng không đáng kể (từ 15,2% năm 2005 lên khoảng 20% năm 2016). Điều này chứng tỏ, sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang nặng tính gia công, lắp ráp và dù khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế lại không tương xứng.
“Thuế đối với doanh nghiệp là chi phí. Chi phí giảm thì lợi ích doanh nghiệp nhận được nhiều hơn. Doanh nghiệp FDI được ưu đãi, miễn giảm thuế là không công bằng với các doanh nghiệp nội địa. Lẽ ra cần phải giúp doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đủ sức cạnh tranh được chứ không phải ưu tiên cho FDI như cả chục năm vừa qua”, ông Lê Cao Đoàn khẳng định.
Có thể nói, lời vàng từ vị lãnh đạo ADB có thể là một cú hích giúp Việt Nam mạnh dạn hơn trong chính sách với doanh nghiệp FDI. Mũi tên sẽ trúng hai đích: một mặt, cải thiện nguồn thu trực tiếp cho ngân sách từ việc nâng mức đóng góp của doanh nghiệp FDI; mặt khác, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, nuôi dưỡng nguồn thu từ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.
Hoàng Hạnh