Tán thành việc thành lập thị xã Đông Triều, thành phố Bắc Kạn
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (11/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh. Đây là lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thẩm quyền này theo Hiến pháp 2013.
Cơ bản các ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày về 4 Đề án: Thành lập thị xã Đông Triều (Quảng Ninh); thị xã Điện Bàn (Quảng Nam); thành phố Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) và thành lập mới huyện Ia H'Drai (Kon Tum).
Đủ tiêu chuẩn thành lập thị xã Đông Triều
Báo cáo Thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý trình bày cho rằng, việc thành lập thị xã Đông Triều và các phường thuộc thị xã Đông Triều là yêu cầu khách quan. Căn cứ Nghị định số 62/2011/NĐ-CP và Nghị định số 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về các tiêu chuẩn thành lập thị xã là đô thị loại IV đối chiếu với huyện Đông Triều, UBPL nhận thấy huyện Đông Triều đã đạt 9/9 bộ tiêu chuẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra sáng 11/3
Về nguồn vốn đầu tư, theo Đề án của Chính phủ thì giải pháp về nguồn vốn đầu tư phát triển cho đô thị Đông Triều trong giai đoạn từ 2013 – 2015 là 4.535,2 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương đã đầu tư 52 tỷ đồng; ngân sách tỉnh, huyện 733 tỷ đồng; doanh nghiệp và xã hội hóa 3.750 tỷ đồng).
“Để bảo đảm cân đối được nguồn ngân sách từ phía địa phương cũng cần phải làm rõ thêm. Đồng thời, đề nghị Chính phủ thuyết minh chi tiết về nguồn thu và khả năng bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển thị xã Đông Triều khi được thành lập theo các giải pháp đưa ra tại Đề án”, ông Phan Trung Lý nêu rõ.
Theo UBPL, 2 thị trấn và 4 xã của huyện Đông Triều về cơ bản đủ tiêu chuẩn để thành lập các phường, mặc dù còn một vài tiêu chuẩn cụ thể chưa đạt nhưng UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng lộ trình và các giải pháp để sớm đáp ứng đủ các tiêu chuẩn còn thiếu trong thời gian tới. Vì vậy, UBPL tán thành việc thành lập thị xã Đông Triều và các phường thị xã Đông Triều như đề nghị của Chính phủ.
Thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường thuộc thị xã Điện Bàn
Theo Đề án của Chính phủ thì nguồn vốn cần thiết cho đầu tư phát triển đô thị Điện Bàn trong giai đoạn từ 2014 – 2020 là 34.744 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn từ ngân sách khoảng 1.366 tỷ đồng = 6,59%, vốn đầu tư từ các doanh nghiệp 32.451 tỷ đồng = 93,41%). UBPL đề nghị Chính phủ thuyết minh chi tiết về nguồn thu và khả năng bố trí ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển của thị xã Điện Bàn, cũng như các giải pháp thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng các xã được đề nghị thành phường tuy vẫn còn một số tiêu chuẩn chưa đạt nhưng căn cứ hiện trạng phát triển của huyện Điện Bàn như hệ thống các công trình hạ tầng trên địa bàn đô thị Điện Bàn đã khá hoàn chỉnh và đồng bộ thì việc thành lập 7 phường thuộc thị xã Điện Bàn là phù hợp với thực trạng và định hướng phát triển của huyện Điện Bàn. Về tổng thể, huyện Điện Bàn đã đạt đủ tiêu chuẩn để thành lập thị xã Điện Bàn.
Thành lập thành phố Bắc Kạn
Về đề nghị thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành phố Bắc Kạn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, với tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã khoảng 222 tỷ đồng và chi ngân sách hàng năm khoảng 190 tỷ đồng thì nguồn ngân sách nhà nước dự kiến đầu tư 2.253,4 tỷ sẽ được bổ sung, cân đối từ nguồn nào, cũng như việc thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác cần được Cơ quan trình Đề án giải trình thêm.
“Mặc dù so với các tiêu chuẩn về việc thành lập phường thuộc thị xã và thành phố thuộc tỉnh thì 2 xã Xuất Hòa và Huyền Tụng và thị xã Bắc Kạn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, nhưng xét về yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn là vùng chiến khu Việt Bắc có truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, UBPL cơ bản tán thành đề nghị của Chính phủ”, ông Phan Trung Lý nói.
Thành lập huyện mới Ia H’Drai
Báo cáo Thẩm tra nêu rõ, Đề án của Chính phủ đã đề cập khá toàn diện các yêu cầu, tiêu chuẩn về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện mới Ia H’Drai thuộc tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, Đề án chưa tập trung phân tích đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện các yêu cầu bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể của Trung ương, tỉnh và cơ cấu kinh tế của từng vùng; yêu cầu về bố trí phòng thủ bảo vệ lãnh thổ, khu vực biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; yêu cầu về bảo đảm đoàn kết dân tộc.
Việc thành lập huyện mới sẽ đặt ra yêu cầu phải tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, tuy nhiên giải trình của Đề án về tổ chức biên chế của huyện mới còn chung chung, chưa làm rõ việc phát sinh tổ chức biên chế của từng cơ quan trong hệ thống chính trị. Đề án cũng cần thuyết minh chi tiết về khả năng bố trí ngân sách Trung ương và thu hút các nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển của huyện Ia H’Drai khi được thành lập, cụ thể là về kế hoạch bố trí vốn trong các năm 2015 đến 2020.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp Luật cho rằng, việc thành lập mới huyện Ia H’Drai có diện tích lớn, nằm ở khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia, cũng như có tiềm năng phát triển kinh tế thì việc thành lập này là cần thiết. Đây chính là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cư trú từ lâu đời. Do đó tán thành đề nghị của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính thì quan trọng nhất là thuận lòng dân. Việc lấy ý kiến nhân dân ở những nơi chia tách, thành lập đã được thực hiện và có sự đồng thuận rất cao. Các cơ quan chức năng cũng đã có sự phối hợp với Bộ Nội vụ, cho ý kiến về các vấn đề. Các báo cáo cho thấy rõ sự cần thiết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể biểu quyết về vấn đề này”.
Dù băn khoăn về việc nâng cấp, chia tách, thành lập mới sẽ phải đâu tư, có nơi cần rất lớn nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Thực tiễn cho thấy chia tách, nâng cấp, tái lập các địa bàn thì kết quả rõ ràng là sự phát triển, phù hợp quy hoạch chung, dù tốn tiền, tăng biên chế. Chúng ta cần lấy lợi ích cao hơn và tương lai tốt đẹp hơn để có quyết định của mình”.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội và nhiều ý kiến trong Ủy ban, các tiêu chuẩn cần phải được rà soát lại cho phù hợp với xu hướng và điều kiện mới chứ không nên áp đặt cứng nhắc. Hơn nữa, bộ tiêu chuẩn hiện tại của Chính phủ được ban hành từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong khi nay thẩm quyền được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mặc dù lần đầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Đây là giai đoạn giao thời nhưng UBTVQH quyết có căn cứ và theo căn cứ, đó là được Hiến pháp giao thẩm quyền và theo Nghị quyết thi hành Hiến pháp 2013”. Ông Phan Trung Lý cũng đề nghị các Đề án cần làm rõ hơn nhiều vấn đề, trong đó bộ máy, biên chế không thể chung chung.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua 4 đề án với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Nguồn VOV