Thứ Năm | 05/05/2016 14:00

Tân Hiệp Phát: Ai mua? Mua ai?

Gần đây nhất, cộng đồng kinh doanh cho rằng Tân Hiệp Phát đã bị “mất giá” chỉ còn 500 triệu USD.

Hơn một năm tính từ ngày Tân Hiệp Phát (THP) rơi vào sự kiện pháp lý mang tên “con ruồi giá 500 triệu đồng”, thoạt nhìn, mọi thứ ở doanh nghiệp này dường như không có gì thay đổi. Nhưng vết cắt đau đớn trong lịch sử đáng tự hào của công ty này vẫn đang tiếp tục “rỉ máu.

Những ngày cuối tháng 4.2016, thời điểm “đất nước trọn niềm vui”, THP hẳn sẽ không thể phấn chấn khi đối mặt với tin đồn râm ran về chuyện họ đã bị mua lại bởi một công ty cùng ngành với giá thấp. Trong khi đó, trên tờ Wall Street Journal, THP đánh tiếng rằng họ muốn tìm nhà đầu tư nước ngoài với mức định giá 2 tỉ USD. Với một động thái cầu thị, đại diện THP đã dành đúng 14 ngày để trả lời hàng chục câu hỏi của NCĐT liên quan đến các thông tin mua bán, sáp nhập, cũng như dự báo vận mệnh công ty này thời gian tới.

Không khó để tìm thấy nhiều thông tin trước đây, khi THP còn khỏe mạnh, rằng Coca-Cola đã định giá họ khoảng 2,1 tỉ USD. Con số này là bằng chứng cho một công ty nội địa hiếm hoi trong ngành thức uống có năng lực vượt trội với doanh thu xấp xỉ 10.000 tỉ đồng, 10.000 người lao động, giữ vị trí thứ hai về thị phần sau ông lớn quốc tế Suntory PepsiCo. Gần đây nhất, cộng đồng kinh doanh cho rằng công ty này đã bị “mất giá” chỉ còn 500 triệu USD.

Khác với tình hình được đưa ra trên Wall Street Jounal, khi đối thoại với NCĐT, THP lại khá hạn chế nói về chuyện mua lại. Họ kể: “Có một số doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi, nhưng không một ai trong số họ đưa ra được lộ trình và chiến lược đi đúng với nguyện vọng và sứ mệnh của THP. Chúng tôi sẵn sàng mời đối tác nước ngoài tham gia vào THP, miễn là đóng góp cho sự phát triển bền vững”.

Sự khẳng định này chưa được kiểm chứng thực tế, ngay cả khi chúng tôi nỗ lực tìm kiếm thông tin từ các nhà chức trách tỉnh Bình Dương, nơi đặt “tổng hành dinh” của THP. Bất ngờ hơn, không chỉ hạn chế nói về chuyện mua bán, sáp nhập, THP cho biết, họ thậm chí còn có kế hoạch lấn sân sang ngành thực phẩm (ngoài thức uống) với sản phẩm chưa thể tiết lộ, nhưng sẽ là chiến lược trọng tâm trong thời gian tới.

Nhìn chung, THP còn quan ngại khi được hỏi về các vấn đề mua bán, sáp nhập trong thời gian này. Các động thái “cải tiến nhẹ” sau sự cố dường như vẫn chưa thể hiện công ty này sẵn sàng cho đại chúng hóa ở mức cao. Họ vẫn nhấn mạnh đến thương hiệu công ty mang tên Number One (thương hiệu trực tiếp đã gây nên sự cố), đưa người nước ngoài lên lãnh đạo (thực chất nhằm để khẳng định thêm sức mạnh quốc tế và khai thác kinh doanh toàn cầu), trong khi nhà sáng lập Trần Quí Thanh, vợ và hai con gái ông (trừ con trai út) vẫn giữ vai trò rường cột trong sự sống còn của THP hiện tại. Có lẽ sự phòng chống “thâu tóm” mang ý nghĩa quan trọng đối với ông Trần Quí Thanh, một nhà sáng lập cá tính, liều lĩnh đặt cả tên mình vào sản phẩm và quan điểm sâu sắc về việc để lại gia sản cho các con.

Ở một động thái khác, THP cũng chia sẻ với NCĐT rằng họ không dừng lại bất kỳ thứ gì sau sự cố, thâm chí còn làm nhiều hơn. Trước sự cố, THP có 2 nhà máy sản xuất ở Bình Dương và Hà Nam. Nhưng thời gian sắp tới, “đại gia đình” này sẽ tiếp tục khánh thành thêm 2 nhà máy ở Hậu Giang và Chu Lai. Độ phủ các kênh bán lẻ hiện tại của công ty này vẫn nỗ lực duy trì 98% và họ vẫn giữ thị phần thứ 2 trong ngành nước giải khát không gas (con số này do chính THP chia sẻ), dù trước đó ông Thanh có công bố trên báo chí về mức độ thiệt hại khoảng 2.000 tỉ đồng sau sự cố. Ngoài ra, THP còn nhấn mạnh, họ sẽ tiếp tục tập trung 5 “quân cờ” chủ lực thời gian tới là Nước Tăng Lực Number One, Trà Xanh Không Độ, Trà Thảo Mộc Dr.Thanh, Trà Ô Long Linh Chi và Trà Bí Đao Không Độ (có tinh chất collagen).

Việc nhấn mạnh đến những kế hoạch vừa nêu đồng nghĩa rằng, “đế chế” Trần Quí Thanh một lần nữa tiếp tục “tuyên chiến” với các ông lớn đa quốc gia trong ngành này (Suntory PepsiCo, Coca-Cola, URC…). Sức kiên cường của người đàn ông ngoài 60 tuổi này không phải lần đầu được thử thách vì trong lịch sử, THP từng bị thất bại thảm hại trong cuộc chiến bia Laser với các ông lớn quốc tế. Bia Laser của THP khi ra thị trường bị “khóa” kênh phân phối bởi “chính sách giá” của các đối thủ, nhưng ông Thanh đã linh hoạt từ bỏ đại dương đỏ để quyết định mở đường đến các đại dương xanh đạt ít nhiều thành công (như các thức uống dinh dưỡng không gas hiện thời).

Tan Hiep Phat: Ai mua? Mua ai?
Tân Hiệp Phát cho biết Công ty đang giữ thị phần đứng thứ hai trong ngành nước giải khát không gas - Ảnh: thoidai.com.vn

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây. Sức hấp dẫn của THP vẫn đáng để tính đến chuyện thao túng, đặc biệt khi tốc độ tăng trưởng doanh thu các dòng nước tăng lực và thức uống sức khỏe được dự báo sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới (ở mức 20%) và THP nghiễm nhiên trở thành “chiếc gai” khó nhổ đối với bất cứ một đối thủ quốc tế nào. Câu chuyện “con ruồi giá 500 triệu đồng” cũng từng được đặt ra câu hỏi về yếu tố cạnh tranh không lành mạnh.

Vì sao lại “khó nhổ”? THP tiềm năng đến đâu? Trước hết là sức hấp dẫn ở khía cạnh tài chính. THP đặt tham vọng doanh thu 1 tỉ USD trong năm 2018 và đến hiện tại (nếu không bị sự cố) họ có thể đạt được xấp xỉ một nửa (500 triệu USD, tương đương 10.000 tỉ đồng), với 2 nhà máy vận hành, chưa tính 2 nhà máy mới. Lợi nhuận ước đạt của công ty này vào khoảng 1.000 tỉ đồng (lấy căn cứ lợi nhuận hơn 900 tỉ đồng của THP trong năm 2014). Như vậy, tỉ suất sinh lời (lợi nhuận trên doanh thu) ước đạt của THP vào khoảng 10%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thực phẩm, đây là tỉ suất sinh lời tốt trong ngành thức uống không gas (khoảng 8-15%). Cũng cần nói thêm những con số vừa phân tích chỉ mang tính ước lượng (theo tìm hiểu từ nhiều nguồn), do THP là công ty gia đình và không chủ trương công bố các số liệu.

Tất nhiên, trong tương lai, công ty này sẽ tiếp tục trở thành “miếng mồi ngon” cho bất kỳ một tay “thợ săn” nào khi 2 nhà máy mới của họ đi vào vận hành. Khi đó, nếu duy trì phong độ kinh doanh hiện tại, chi phí trên quy mô không tăng nhiều, công ty này có thể sẽ đạt đến mức sinh lời tốt hơn. Đó là chưa kể THP còn tiết lộ, ngoài thị trường nội địa, họ còn xuất khẩu sang 18 thị trường trên thế giới và tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch toàn cầu hóa, mang về lợi nhuận lớn. Suy ra từ đây, khi khủng hoảng xảy đến, nguồn thu quốc tế đã ít nhiều bù đắp thiệt hại cho thâm hụt doanh thu nội địa của công ty này.

Bên cạnh sức hấp dẫn về tài chính, lịch sử của THP còn ghi nhận những dấu ấn tiên phong về mặt kinh doanh. Công ty này hình thành năm 1994 và có những tạo lập chưa tiền lệ ở Việt Nam như ra mắt nước tăng lực đóng chai Number One đầu tiên (2001), sản xuất bia Laser đóng chai đầu tiên (2003), giới thiệu sản phẩm Trà Xanh Đóng Chai Không Độ đầu tiên (2006), trình làng Trà Thảo Mộc Dr.Thanh đầu tiên (2008). “Những cái đầu tiên” của THP gợi nhớ đến X-Men, một thương hiệu dầu gội cho nam đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam, cũng khai phá đại dương xanh, nhưng lại phải bán lại cho công ty Marico của Ấn Độ nhiều năm sau đó.

Chính sự tiên phong của ông Trần Quí Thanh, một doanh nhân cá tính có phần hơi kỳ lạ, đã lôi kéo hàng loạt đại gia quốc tế như PepsiCo, URC gia nhập thị trường (khác với điều thường thấy là doanh nghiệp đa quốc gia có khuynh hướng dẫn dắt thị trường). Nhưng cũng chính những “sáng kiến” đặc biệt trong kinh doanh của ông Thanh (mà đâu đó đã chỉ ra ông học từ mô hình của Trung Quốc) đã tạo nên những áp lực sâu sắc về cạnh tranh dành cho đối thủ.

Vậy câu hỏi đặt ra là đối thủ nào muốn thâu tóm THP nhất? Chưa có thống kê cập nhật chính thức về thứ hạng các đối thủ của THP. Nhưng một báo cáo đáng tin cậy cho thấy bảng tổng sắp thị phần ngành thức uống ở Việt Nam từ cao xuống thấp hiện tại phân hóa mạnh mẽ theo 2 nhóm. Nhóm dẫn đầu chiếm xấp xỉ 60% thị trường (gồm Suntory PepsiCo, Tân Hiệp Phát, Coca-Cola) và nhóm chiếm thị phần còn lại (gồm URC, Interfood-Kirin Wonderfarm, Tribeco, Lavie, Red Bull, Chương Dương, Tân Quang Minh-Bidrico…).

Nếu xét đến tính cạnh tranh khốc liệt trực tiếp về mặt sản phẩm (gồm nước tăng lực và trà) thì rõ ràng đối thủ của THP ở nhóm dẫn đầu là Suntory PepsiCo, Coca-Cola và ở nhóm còn lại có URC. THP dường như đang ở thế “bánh mì kẹp thịt” và 3 đối thủ hùng mạnh này đều là các công ty đa quốc gia.

Cuộc rượt đuổi mạnh nhất vẫn là bộ ba Suntory PepsiCo, THP và Coca-Cola. Trong lịch sử, khi THP tung ra nước tăng lực Number One (2001) và giành phần thắng lớn trước các đối thủ Red Bull, Rhino và Lipovitan (do chính sách giá thấp và kênh phân phối mạnh) thì lập tức Coca-Cola trình làng Samurai và PepsiCo ra mắt Sting để cạnh tranh, nhưng đều không qua mặt được. Mãi sau đó, PepsiCo tung ra Sting Dâu mới đẩy nước tăng lực Number One xuống vị trí thứ 2.

Khi xuống thứ 2, THP ra mắt sản phẩm mới là Trà Xanh Không Độ (2006) giành tiếp phần thắng thị trường trà xanh, Pepsico nhanh chóng tung đáp trả Lipton Pure Green và Coca-Cola tung Tea Leaf nhưng đều chưa thể vượt qua. Thừa thắng, THP giới thiệu trà thảo mộc Dr.Thanh (2008) trong lúc PepsiCo và Coca-Cola chưa có nhiều động thái. Ghi nhận gần đây là PepsiCo tung ra trà Ô Long Tea+ Plus như một chiến lược mới. Nhưng THP cũng nhanh chóng có sản phẩm tương tự là trà Ô Long Linh Chi. Doanh thu của Suntory PepsiCo và THP ước đạt xấp xỉ 10.000 tỉ đồng, trong khi Coca-Cola chỉ bằng khoảng một nửa.

Tan Hiep Phat: Ai mua? Mua ai?
Tân Hiệp Phát, PepsiCo, Coca-Cola, URC... đang cạnh tranh khốc liệt trên phân khúc trà xanh - Ảnh: Trường Nikon

Tuy nhiên, ở nhóm kế tiếp, THP cũng phải đối mặt với nguy cơ đe dọa từ “kỳ phùng địch thủ” là đại gia URC với thương hiệu trà C2 đến từ Philippines. Một nguồn tin không chính thức cho biết năm 2014, doanh thu của URC đã kè sát Coca-Cola (xấp xỉ 5.000 tỉ đồng) nhưng lợi nhuận URC (khoảng 800 tỉ đồng) gấp hơn 2 lần Coca-Cola (357 tỉ đồng). Điều này cho thấy, mảng trà xanh mà các thương hiệu đang “giằng xé” nhau khá tiềm năng và URC có khả năng bứt phá vượt các đại gia khác để thay thế vị trí bảng tổng sắp, cũng như tấn công mạnh mẽ vào THP trong sân chơi này.

Một điều trùng hợp thú vị là URC cũng từng bị cáo buộc liên quan đến “con ruồi trong chai C2” như THP. Chỉ có điều, chúng tôi chưa thể kiểm chứng doanh thu của URC thiệt hại thế nào sau sự cố dị vật, cũng như doanh thu mới nhất của của công ty này (và cả Suntory PepsiCo, Coca-Cola) sau cú trượt ngã của THP.

Từ cục diện này thấy rõ, bất kỳ một sự “hợp tác” nào (nếu xảy ra trên thực tế) của 3 ông lớn Suntory PepsiCo, Coca-Cola, URC, và ngay cả “ngôi sao ẩn danh” Interfood-Kirin Wonderfarm (Nhật) với THP cũng đều sẽ thay đổi đáng kể cục diện của ngành thức uống Việt Nam, cũng như xác lập luật chơi mới về giá, sức mạnh phân phối và xu hướng tiêu dùng. Điều này có thể tham chiếu tương tự với trường hợp của Coca-Cola khi họ mua lại Huiyuan, một công ty sản xuất nước ép trái cây của Trung Quốc. Chính phủ nước này đã không để cho thương vụ xảy ra như là một cách bảo hộ các công ty khác trong nước tránh thế “độc tôn kinh doanh”. Kết quả là Coca-Cola về tay trắng và cổ phiếu Huiyuan đã rớt đến gần một nửa giá.

Suntory PepsiCo? Coca-Cola? URC? Hay Interfood? Một chuyên gia đầu ngành, từng có nhiều năm kinh nghiệm quản lý trong các tập đoàn thức uống lớn cho rằng, dù giá có “phải chăng” đến đâu thì quan điểm về M&A của các công ty quốc tế vẫn rất cân nhắc khi đầu tư vào các công ty đang có “phốt”. Tuy nhiên, không thể khẳng định điều gì tại Việt Nam khi THP vẫn là một công ty “đáng gờm” đối với bất kỳ một ông lớn quốc tế nào. Một số khác còn dự đoán có một đại gia nội từng mua lại nhiều công ty thực phẩm, nước uống, và thức ăn gia súc cũng “nhòm ngó” THP.

Trở lại với chính những người trong cuộc. Lúc này, các lãnh đạo THP không thể hiện bất kỳ một quan điểm rõ ràng nào về chuyện M&A. Họ nhấn mạnh nhiều hơn đến chiến lược “châu Á hóa” và đưa ra những viễn cảnh sáng sủa về vị trí dẫn đầu khu vực. NCĐT đặt câu hỏi liệu rằng, với chiến lược toàn cầu này, THP có kế hoạch mua lại các công ty khác hay không thì đại diện THP hồi đáp: “M&A là hướng đi tốt giúp chúng tôi thực hiện tham vọng trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm. Nhưng đến nay, THP chưa tìm thấy doanh nghiệp nào đủ điều kiện thỏa mãn”.

Tan Hiep Phat: Ai mua? Mua ai?Trần Trọng Tú