Tận dụng FTA là con đường ổn định
Là một nước có mức độ phụ thuộc ngoại thương lớn với hai cường quốc tiêu dùng thế giới là Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại đang ngày càng trở nên căng thẳng giữa hai nước này. Nhiều ý kiến cho rằng việc Trung Quốc bị tăng nhiều mức thuế lên các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ là cơ hội cho Việt Nam, nhưng Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, bà Nguyễn Thị Thu Trang, lại có một góc nhìn khác về sự việc này.
Chia sẻ trong “Hội thảo Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam tổ chức, bà Trang nhận xét Mỹ không chỉ đang gây chiến trên bình diện thương mại với Trung Quốc, mà còn với tất cả thế giới. Theo bà, mục tiêu của tổng Donald Trump là giúp Mỹ giải quyết thâm hụt thương mại với tất cả các đối tác khác.
Mỹ sau khi rút khỏi các hiệp định thương mại quốc tế đã tìm cách đàm phán song phương với các đối tác lớn nhất trong danh sách thâm hụt thương mại của mình. Trước Trung Quốc, đã có Mexico, Hàn Quốc, Đức, EU và Nhật Bản chịu những biện pháp về thuế tương tự. Kết quả là ngoại trừ Trung Quốc (vẫn chưa rõ), cho đến giờ, các đối tác khác kể trên đã ngồi vào bàn đàm phán song phương với Mỹ.
Trở lại trường hợp Trung Quốc, là nước đứng đầu bảng thâm hụt thương mại của Mỹ, chiếm 40% trong tổng giá trị 500 tỉ USD. Bà thận trọng đưa ra cảnh báo Việt Nam cũng có thể sẽ nằm trong tầm ngắm, khi là nước xuất siêu vào thị trường Mỹ đứng thứ 5.
Xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên. Trong vòng hơn 3 tháng vừa qua, hai bên đã liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỉ USD với mức áp thuế bổ sung từ 5 - 25%.
Hoa Kỳ cũng tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng mức độ áp thuế lên 25% vào ngày 1.1.2019 đối với nhóm hàng hóa trị giá 200 tỉ USD đã bị áp thuế 10% vào ngày 24.9.2018 và xem xét mở rộng áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu phía Trung Quốc không thực hiện các yêu cầu của phía Hoa Kỳ. Nhiều khả năng, những xung đột này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm sau.
Bình luận về cơ hội ở thị trường Mỹ đối với các sản phẩm Trung Quốc bị áp thuế, bà Trang cho rằng “thị trường không bị bỏ trống mà doanh nghiệp chỉ có cơ hội tốt hơn trong cạnh tranh về giá”. Tuy nhiên, cơ hội này mở ra với Việt Nam thì cũng mở ra với nhiều nước khác có sản phẩm tương tự. Mặt khác, thực tế cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường Mỹ trong năm 2017-2018 tăng tốc chứ không hề giảm.
Trong khi đó, về cơ hội dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam đối với các nhà sản xuất có sản phẩm trong danh mục ảnh hưởng, bà Trang cho rằng đây là cơ hội ở tầm vĩ mô (chính phủ), trong khi tác động với ngành không rõ rệt. Trong trường hợp các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc ra nước ngoài để tránh thuế, thì các doanh nghiệp nội cần thận trọng với lời mời “cùng gian lận” này.
Trên thực tế, “trông vậy mà không phải vậy”, cơ hội dịch chuyển đầu tư này dường như không rõ ràng, khi minh chứng qua con số đầu tư FDI của Nhật Bản ra nước ngoài 5 tháng đầu năm 2018, những nước nhận đầu tư tăng mạnh gồm Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Trung Quốc vẫn nhận được 4 tỉ USD đầu tư, tăng 14% so với năm trước, trong khi tổng vốn đầu tư vào Việt Nam chỉ tăng 8%, đạt 888 triệu USD.
Nhấn mạnh các thách thức, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng sẽ ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa sẽ nhiều hơn.
“Để tận dụng cơ hội mà cuộc chiến mở ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu danh mục bị áp thuế và chủ động tìm đến khách hàng”, bà Trang nói. Điều quan trọng của doanh nghiệp cần lưu ý đó là “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nghĩa là củng cố những cái cố định như năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo, năng lực kết nối để có thể thắng được những biến động lớn xung quanh, trong trường hợp này là chiến tranh thương mại.
Ngoài ra, trong khi tác động tích cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên Việt Nam là chưa rõ, thì bà Trang nhận thấy việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) là con đường vô cùng ổn định cho doanh nghiệp.