Tân Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiên Dũng: Tránh các cú sốc giá không để ảnh hưởng người dân
Không để xảy ra cú sốc do điều hành chính sách
Thứ tự ưu tiên của ông Dũng trên cương vị mới sẽ là tăng cường các giải pháp để tăng thu ngân sách nhà nước; chống thất thu ngân sách, xử lý nợ đọng; giảm chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.
Những chính sách tài khóa sẽ hướng tới việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện cải cách các chính sách thuế, phí và thu ngân sách Nhà nước trên cơ sở "phù hợp để khuyến khích sản xuất tiêu dùng, cải thiện đời sống nhân dân, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu nhưng phải đảm bảo cân đối được ngân sách nhà nước".
Đối với vấn đề mà người dân quan tâm nhất là giá cả, tân Bộ trưởng cam kết sẽ "Nâng cao hiệu quả công tác quản lý giá, đặc biệt là giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, các dịch vụ công…
Đối với giá xăng, sẽ rà soát lại Nghị định 84, Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đối với giá điện, cân nhắc việc điều chỉnh dần theo cơ chế thị trường, tránh các cú sốc do điều hành chính sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân.
Ưu tiên chi cho lương
Trước tình trạng "túi tiền quốc gia đang hụt dần", tân Bộ trưởng cam kết sẽ chống thất thu ngân sách để bù đắp; xử lý trốn thuế, nợ đọng thuế, kiểm tra chống các hành vi chuyển giá, buôn lậu, tăng cường chế tài thực thi nghiêm pháp luật về thuế.
Song song với đó, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết sẽ tăng cường tiết kiệm chi trên nguyên tắc cắt bỏ các khoản chi không thực sự cần thiết đảm bảo các khoản chi trong trong dự toán được duyệt, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tham nhũng trong chi tiêu ngân sách.
Một trong những giải pháp ông đề ra là rà soát các giải pháp để kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, tiến tới tạo đà tăng trưởng kinh tế; rà soát tình hình thực hiện các chính sách, giãn, hoãn thuế, miễn giảm thuế, xem xét tỷ lệ động viên phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo cân đối ngân sách.
Trước câu hỏi "tốc độ tăng GDP không đạt 5,5% như dự kiến, hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn tiếp tục khó khăn, thu ngân sách rất khó để hoàn thành mục tiêu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bảo đảm mức bội chi 4,8% cũng như bảo đảm các chỉ tiêu nợ công như Quốc hội đặt ra", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết cần có thêm thời gian để đánh giá để có các phương án tính toán, các kịch bản có thể xảy ra để báo cáo với Quốc hội.
"Dù thế nào thì ngành Tài chính cũng cần phải quyết tâm cao nhất để thực hiện với kết quả cao nhất dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn. Đồng thời cần tiếp tục đề xuất các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí"- ông Dũng nói.
Về giảm chi, Tân Bộ trưởng cam kết sẽ "Triệt để tiết kiệm, không ban hành chính sách chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước. Cắt giảm hoặc lùi thời gian các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; các khoản chi mua sắm trang thiết bị, ô tô. Hạn chế tối đa hội nghị hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định. Tiết giảm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu…Tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi như lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…".
Tuy nhiên, ông cũng cho biết sẽ "Rà soát các nhiệm vụ chi thường xuyên, ưu tiên chi cho con người (những khoản lương và tính chất lương); các khoản chi đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, các khoản chi an sinh xã hội, chi đầu tư các công trình quan trọng.
Nguồn Lao động