Tầm nhìn CEO Việt tại APEC
Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 6-11.11 tại thành phố Đà Nẵng. Trong đó, APEC CEO Summit là hội nghị thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều nhất trong lịch sử APEC với hơn 5.000 doanh nghiệp.
Hướng ra thị trường thế giới
Tại diễn đàn được thế giới chú ý này, những nhà lãnh đạo có tiếng của những tập đoàn tư nhân lớn ở Việt Nam có cơ hội để thể hiện tầm nhìn, tham vọng của giới doanh nhân Việt Nam trên thị trường quốc tế. Lần lượt là ông Nguyễn Đức Thuấn, đại diện cho Tập đoàn TBS, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng Giám đốc VietJet Air, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup và bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH.
Không chỉ có những doanh nghiệp lớn xuất hiện tại APEC thể hiện sự tự tin như vậy. Báo cáo “Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC 2017” của PwC cho thấy có 62% CEO tại Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư trong năm 2018, cao hơn mức trung bình trên toàn khu vực APEC là 50%. Một điểm đáng chú ý khác, các CEO Việt Nam kỳ vọng tìm kiếm điều mới mẻ ở thị trường nước ngoài. Theo đó, có đến 86% CEO Việt Nam kỳ vọng có thể mở rộng quy mô kinh doanh toàn cầu của doanh nghiệp trong vòng 3 năm tới.
Tỉ lệ này là 63% với các CEO trong toàn khu vực APEC.Đó có thể là câu chuyện trang trại bò sữa của TH ở Nga hay tham vọng “khách của VietJet có thể bay tới bất cứ điểm nào trên thế giới” như bà Phương Thảo chia sẻ. Vingroup thì đang nổi lên với thương vụ Vincom Retail niêm yết mới đây trong kế hoạch trở thành thương hiệu bán lẻ lớn tại khu vực. Trong khi TBS chủ động tổ chức chiêu đãi tiệc các doanh nhân tại sân golf Montgomerie Links, nơi sắp xuất hiện thêm Mai House, thương hiệu khách sạn dạng chuỗi trong tương lai của TBS...
Đã 8 năm liên tiếp PwC đi cùng sự kiện APEC với vai trò là đơn vị khảo sát về quan điểm của các CEO trong tương lai. “Năm nay có số lượng lãnh đạo doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát cao nhất trong nhiều năm qua”, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, chia sẻ. Cụ thể đã có 1.412 giám đốc điều hành và lãnh đạo ngành ở 21 nền kinh tế thành viên APEC từ hồi tháng 5. Nhìn chung, tương lai của các nền kinh tế APEC nói chung và Việt Nam nói riêng lạc quan hơn khi nhìn vào kết quả khảo sát năm nay của PwC.
Có gì để đón cơ hội tương lai?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet. |
Một trong những điều được chờ đợi ở tương lai là những hiệp định thương mại mới được kỳ vọng ký kết, đặc biệt là TPP dù không có Mỹ. Theo đó, có 38% CEO Việt Nam trông đợi sẽ có thêm cơ hội tăng doanh thu trong năm tới từ một hiệp định thương mại mới, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của khu vực là 27%.
Vấn đề tự do thương mại cũng được các CEO trao đổi sôi nổi tại diễn đàn APEC vừa qua. Vẫn có một số ít đại diện cho rằng môi trường thương mại quốc tế ngày càng siết chặt hơn, nhưng tình hình chung là các nền kinh tế lớn và nhỏ đều đang tìm cách có được điều kiện ưu tiên để tiếp cận thị trường khác. Xu hướng mở rộng thương mại đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vĩnh Hoàn, cho biết, hiện môi trường kinh doanh toàn cầu đã mở ra một cơ hội rất lớn. “Xu hướng chuyển dịch trong chuỗi giá trị, các nền kinh tế trong khu vực dịch chuyển dựa vào các lợi thế kinh tế ở các nước, hình thành nên các nước liên kết và mở rộng lãnh thổ”, bà Khanh nói. Bà cho biết thêm, ngành cá hiện xuất khẩu qua 20 nền kinh tế APEC, chiếm thị phần 60%.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, với tỉ lệ 47% nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có kế hoạch tăng cường đầu tư trong 12 tháng tới. Ông Liam Mallon, Chủ tịch Tập đoàn ExxonMobil, kỳ vọng rằng APEC sẽ là một yếu tố tác động tích cực đến Việt Nam.
Bà Dương Mai Hoa - CEO VinGroup. |
PwC toàn cầu đánh giá khá cao về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, chẳng hạn như dự đoán Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP thực tế đạt trung bình 5,1% hằng năm. Nhờ đó, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.
Nhưng đó là những dự đoán trong dài hạn, chưa biết câu chuyện ở Việt Nam sẽ đi đến đâu. Dù vậy, theo thông tin mới nhất từ Báo cáo Doing Business 2017 của World Bank, Việt Nam đã cải thiện 9 bậc về môi trường kinh doanh so với năm ngoái (từ mức 91 lên mức 82). Cùng lúc đó, Việt Nam xếp thứ 60 trong số 138 nền kinh tế trên thế giới, theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Báo cáo từ PwC cho thấy, Việt Nam là 1 trong 4 nền kinh tế hàng đầu bên cạnh Trung Quốc, Indonesia và Mỹ có ít nhất 40% các nhà đầu tư nước ngoài dự định rót thêm vốn vào. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong lời phát biểu khai mạc sự kiện tuần lễ cấp cao APEC, cho biết trong năm nay Việt nam sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đã đặt ra, cụ thể tăng trưởng GDP sẽ theo đúng kế hoạch 6,7%.
Tuy nhiên, một điều mà các CEO bắt đầu cảm thấy lo ngại nhiều hơn trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh là vấn đề thiếu hụt kỹ năng lao động. So với năm ngoái, 26% CEO Việt Nam hiện nay kém tự tin hơn về khả năng đảm bảo được nguồn nhân lực lành nghề, chất lượng cao để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu, cao hơn nhiều so với tỉ lệ tự tin là 15%.
Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao mà có đến 55% CEO Việt Nam cho biết họ đang tiến hành tự động hóa một số chức năng trong doanh nghiệp, trong khi 43% đang tìm kiếm những nhân viên có kỹ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới. Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch World Bank thị trường Đông Á - Thái Bình Dương, cho rằng tăng trưởng năng suất hiện còn rất thấp, điều này phản ánh sự không hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Chẳng hạn, có đến 47% lao động ở nông thôn, nơi có năng suất lao động bình quân rất thấp.
Theo đại diện của World Bank, có những lĩnh vực mà nhiều nước thực hiện để tăng năng suất là đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, logistics và đầu tư vào các định chế thị trường, bao gồm chất lượng luật lệ, quy định. “Tài sản quan trọng nhất của Việt Nam là con người, đầu tư vào con người là đầu tư vào tương lai”, bà Victoria Kwakwa cho biết. Quan điểm này cũng tương tự với Philipp Rösler, Giám đốc Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới khi cho rằng giới trẻ là nguồn nhân lực quý giá nhất của Việt Nam hiện nay.