Ảnh: Vietnamfinance.
Tạm ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam tác động ra sao đến nền kinh tế?
Đánh giá về điều này, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng động thái này của Chính phủ Việt Nam rất phù hợp với tình hình trên thế giới hiện nay. Bởi chiều 17/03, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã chính thức ngưng cấp thị thực nhập cảnh cho các người nước ngoài khi họ nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ trừ một số đối tượng ngoại giao hay những lao động có tay nghề cao.
“Và Chính phủ Việt Nam của chúng ta sẽ áp dụng chính sách này trong vòng 30 ngày sắp tới kể từ 0h ngày 18/03. Đây là chính sách được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam”, ông Tín nhận xét.
Nếu xét đến tác động tới nền kinh tế Việt Nam, chúng ta thấy rằng trong điều kiện hiện nay thì không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đang trong tình trạng suy yếu. Có thể nói rằng tốc độ tăng trưởng của rất nhiều nền kinh tế thế giới sẽ bị suy giảm khá nhiều, trong đó có Việt Nam.
Liên quan đến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, ông Tín đưa ra 2 kịch bản.
Cụ thể, theo dự báo của ông, nếu dịch COVID-19 kết thúc vào cuối tháng 03/2020, thì tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2-6,3%.
Tuy nhiên, ở kịch bản 2 khi dịch COVID-19 chấm dứt vào cuối quý II/2020 thì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ dưới 6%.
Ông Tín đánh giá đây là những dự báo tương đối khả quan khi so sánh với một số quốc gia khác như Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 được dự báo chỉ đạt khoảng 4 %, tức là gần bằng phân nửa so với mức tăng trưởng của các năm vừa qua.
Theo ông Tín, một số ngành nghề của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Các công ty xuất nhập khẩu thì đang bị ảnh hưởng rất tiêu cực bởi sự lây lan của dịch bệnh đã làm hạn chế nhập khẩu hàng hoá của các nước. Đối với du lịch và vận tải, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt khi chính sách ngưng cấp thị thực cho người nước ngoài sẽ ảnh hưởng lớn đến lượng khách du lịch đến Việt Nam.
Nếu nhìn vào thị trường chứng khoán Mỹ, có thể nói rằng là thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm điểm, thậm chí là giảm mạnh nhất nhất trong vòng 44 năm vừa qua. Ông Tín cho biết điều này còn tệ hơn cả giai đoạn 2007-2008 vừa qua.
“Chúng ta thấy rằng nếu xét bình diện kinh tế thế giới thì rõ ràng rằng nền kinh tế toàn cầu đang bị suy yếu và bị tác động rất tiêu cực. Điều này còn nặng nề hơn cả giai đoạn 2007-2008, thậm chí là còn hơn cả giai đoạn 1997-1998 khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt nguồn từ Thái Lan”, ông Tín chia sẻ.
Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam đều chịu tác động tiêu cực. Trước tình trạng này, Chính phủ các nước cũng đã có những động thái rất mạnh mẽ trong vấn đề hạn chế lây nhiễm COVID-19 cũng như nỗ lực trong các giải pháp kinh tế để hỗ trợ về lãi suất, chính sách thuế để các doanh nghiệp duy trì hoạt động và sớm vượt qua khó khăn.
Theo chia sẻ của ông Tín, chính sách của Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa qua là rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự triển khai của hệ thống Ngân hàng Thương mại mới là vấn đề quan trọng để phối hợp với doanh nghiệp trong việc tư vấn, hỗ trợ và đặc biệt là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cũng như tái cơ cấu thời gian trả nợ hay khoanh nợ, giãn nợ. Đây là những biện pháp thiết thực và có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Ngoài ra, đối với việc miễn giảm thuế, thì theo ông Tín để Nhà nước có thể hỗ trợ tốt nhất thì các doanh nghiệp cũng phải phối hợp, và chỉ ra được những khó khăn, cũng như thiệt hại của họ trong đợt dịch COVID-19 này để có được những chính sách hỗ trợ tốt hơn.
Và cuối cùng, phải làm sao để các chính sách của Nhà nước lan tỏa từ Trung ương đến địa phương. Trung ương đã có nhiều chính sách mạnh mẽ, nhưng còn vấn đề ở đây là các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải có sự gắn bó và hiểu biết về doanh nghiệp để triển khai các biện pháp hỗ trợ mang tính thực chất hơn.
Ông Tín cũng nhấn mạnh, vai trò của địa phương là rất quan trọng trong việc triển khai các chính sách của Nhà nước. Các cơ quan chức năng tại các địa phương, phải hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp và sự triển khai các biện pháp hỗ trợ ở địa phương mạnh mẽ thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Đây chính là sự lan tỏa các chính sách từ Trung ương đến địa phương.
* Có thể bạn quan tâm