VDSC cho rằng việc mua lại trước hạn phần nào giúp giảm bớt quy mô đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: TL.
Tâm lý rời bỏ kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể dần ổn định
Sự kiện Vạn Thịnh Phát (VTP) vào đầu tháng 10/2022 là một cú sốc tiếp nối đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Từ sau sự kiện Tân Hoàng Minh (THM), việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn đã diễn ra mạnh mẽ, quy mô mua lại trái phiếu doanh nghiệp 9 tháng ước đạt 142,2 nghìn tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối tháng 9/2022 ước đạt 1,1 triệu tỉ đồng, tương đương 13,4% GDP năm 2021 và 9,8% tổng dư nợ tín dụng tại ngày 28/09/2022.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau sự kiện Tân Hoàng Minh, thì sự kiện Vạn Thịnh Phát là một cú hích mạnh làm gia tăng khủng hoảng niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi kênh đầu tư này, kể cả rút tiền khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp.
Do sự phát triển nhanh và mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp các năm qua đã bám rễ vào hệ thống tài chính và tiếp cận một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, niềm tin lung lay đang dẫn đến khá nhiều xáo trộn trên thị trường.
VDSC cho rằng việc mua lại trước hạn phần nào giúp giảm bớt quy mô đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên, áp lực thời gian và quy mô trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn khá lớn. Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn từ quý IV/2022 đến quý IV/2024 ước khoảng 865.000 tỉ đồng, đỉnh điểm trước mắt sẽ rơi vào quý II-quý III/2023.
Theo VDSC, trong ngắn hạn, tâm lý rời bỏ kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể dần ổn định trở lại nhưng nếu như những nút thắt về pháp lý không được tháo gỡ, thiếu đi sự hỗ trợ và định hướng từ nhà điều hành thì nhiều khả năng sự khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn tiếp diễn.
“Khác với sự kiện THM, sự kiện VTP không chỉ dừng lại ở vấn đề trái phiếu doanh nghiệp mà còn liên quan đến biến cố tại NHTMCP Sài Gòn (SCB) do SCB nằm trong hệ sinh thái tài chính của tập đoàn này”, VDSC nhận định.
Nhìn lại tháng 10, biến cố tại SCB có thể coi là một cú sốc thanh khoản trong ngắn hạn đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trên thị trường cho vay liên ngân hàng, đầu tháng 10, lãi suất cho vay qua đêm tăng vọt lên trên 8,0%/năm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012. Tuy nhiên, bằng hành động bơm thanh khoản và đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt khá nhanh. Tại ngày 01/11/2022, lãi suất cho vay qua đêm cao hơn 1,68 điểm % so với cuối tháng 9/2022. Ngoài ra, mặc dù doanh số giao dịch ở các kỳ hạn còn lại không đáng kể, VDSC cho biết họ vẫn nhận thấy có một số căng thẳng nhất định về thanh khoản ở các kỳ hạn 1-6 tháng. Từ đầu tháng 10 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng hơn 95.000 tỉ đồng qua thị trường mở.
Theo quan sát của VDSC, tình hình căng thẳng về thanh khoản trong hệ thống phần nào dịu lại nhưng tác động kéo dài của sự kiện VTP-SCB vẫn còn âm ỉ. Theo VDSC, mức độ rủi ro của sự kiện VTP-SCB sẽ tùy thuộc vào 1) quy mô rủi ro thanh khoản của SCB, 2) kết cấu mạng lưới của VTP-SCB trong hệ thống ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm