Thứ Sáu | 03/01/2014 19:17

Tâm lý dẫn dắt thị trường vàng

Ông Nguyễn Công Tường – Phó phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nhận định: vàng khó lấp lánh trở lại trong năm 2014.

Tại sao vàng lại trở nên kém hấp dẫn đối với người dân, nhà đầu tư thưa ông?

Từ sau ngày 10/1/2013 – thời điểm NHNN thực hiện việc siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng, mọi giao dịch chỉ được thực hiện tại 2.488 điểm giao dịch thuộc 38 đơn vị được NHNN cấp phép kinh doanh. Rõ ràng từ “mở cửa thấy tiệm vàng”, nay chỉ còn hơn hai nghìn điểm giao dịch thì việc kiểm soát thị trường sẽ tốt hơn. Thị trường kiểm soát tốt, ít cơ hội bị tạo sóng giả thì nhu cầu giao dịch của người dân cũng giảm. Cộng thêm yếu tố giá vàng thế giới trong năm 2013 đã giảm 450 USD/oz (27,27%), từ mức 1.650 USD/oz xuống còn khoảng 1.200 USD/oz. Nhiều quỹ đầu tư vàng lớn đã bán tháo trước viễn cảnh không mấy sáng sủa của thị trường này…

Tất cả các yếu tố trên tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước khiến họ quay lưng với vàng. Trong năm 2013 lượng vàng miếng giao dịch giảm tới 50 – 60% so với những năm trước.


Ảnh minh họa

Nhận định của ông về giá vàng trong năm 2014?

Thời điểm này rất khó đoán định đường đi của giá vàng. Đối với thị trường quốc tế, giá vàng chịu nhiều tác động của chính sách kinh tế các nước lớn, xu hướng đầu tư của các Quỹ đầu tư vàng… Còn giá vàng trong nước phụ thuộc chính sách quản lý của NHNN. Nhưng theo tôi, đối với thị trường vàng trong nước, các yếu tố sau sẽ tác động đến giá: giá thế giới, tâm lý và các nhận định của chuyên gia. Giả dụ: nếu giá vàng rớt liên tục mà chưa có nhận định khả quan thì người dân, nhà đầu tư sẽ không mua vào. Nhưng nếu giá vàng có dấu hiệu đi lên, cùng với đó là những nhận định phân tích khả quan đối với thị trường vàng, thì họ sẽ quay lại mua vàng.

Ông đánh giá thế nào tác động của các phiên đấu thầu vàng trong năm 2014. NHNN có cần tiếp tục thực hiện giải pháp này?

Năm 2013, các phiên đấu thầu bán vàng của NHNN đã tác động rõ nét đến thị trường vàng. Thông thường, khi giá vàng thế giới tăng mà giá trong nước không tăng kịp thì biên độ giá vàng thu hẹp lại. Nhưng, khi giá vàng thế giới rớt sâu mà giá vàng trong nước không bắt kịp thì độ doãng biên độ lại rộng ra. Trong năm qua, nhờ có lượng cung vàng từ các phiên đấu thầu vàng của NHNN đã đáp ứng nhu cầu cho thị trường, giúp thu hẹp biên độ giá vàng trong nước và thế giới từ mức 6 – 7 triệu xuống chỉ còn 3 – 4 triệu đồng/lượng.

Theo ông, năm 2014 có cần tăng lượng vàng đấu thầu không?

Lượng vàng đưa ra đấu thầu tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Hiện tại thì nhu cầu mua của người dân không cao. Nhưng đến thời điểm nào đó, nếu tất cả thông tin nhận định chiều hướng đi lên của giá vàng thì nhà đầu tư sẽ mua nhiều. Như vậy, nhu cầu thị trường lớn. Rõ ràng, để giảm biên độ chênh lệch, NHNN phải có lượng cung qua đấu thầu vàng, vì đây là nguồn cung duy nhất trên thị trường. Còn nếu giá lình xình không có đột phá, nhu cầu thị trường không nhiều thì vẫn duy trì như hiện tại.

Hiện đang có đề xuất cho các DN vàng trang sức được vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất kinh doanh, còn SJC thì sao?

Từ năm 2013, sau khi thị phần vàng miếng bị thu hẹp, SJC đã tập trung sản xuất vàng nữ trang. Tất nhiên SJC có nhu cầu mở rộng sản xuất nữ trang thì công ty cũng có nhu cầu vay thêm vốn.

Theo ông, đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch vàng quốc gia do NHNN cầm trịch và có sự tham gia của các thành viên là DN, NHTM có cần thiết?

Trong Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh thị trường vàng đã quy định rõ, chỉ NHNN là đơn vị được phép xuất nhập khẩu vàng và là người mua bán cuối cùng. Đối với câu chuyện điều tiết nhập, xuất vàng của NHNN thì rõ ràng việc thành lập một trung tâm như vậy là cần thiết. Và nếu Trung tâm này được thành lập, chắc chắn, SJC là thành viên không thể thiếu. Không chỉ là một thương hiệu lớn, hiện tại SJC là DN nhà nước duy nhất kinh doanh vàng. Do đó, không thể không tham gia.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện