Chủ Nhật | 07/10/2012 14:55

Tâm điểm tuần qua: Nhiều tổ chức nhận định về hệ thống ngân hàng Việt Nam

Theo Barclay, NHNN sẽ nới lỏng chính sách giữa 2013. Chuyên gia ADB, IMF đều nhận định, xử lý nợ xấu là bước đi quan trọng để tái cấu trúc hệ thống...
Tuần qua (1/10 - 6/10), nhiều tổ chức như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Barclay, đại diện IMF... đã đưa ra những nhận định về hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Cụ thể, trong báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á năm 2012, chuyên gia của ADB nhận định kinh tế Việt Nam vẫn còn bất ổn định, do 3 yếu tố chủ yếu là nợ xấu, rủi ro liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước và tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng.

Theo báo cáo, để xử lý nợ xấu, việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ và yếu là một bước đi quan trọng. Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã xem xét thành lập công ty mua bán nợ xấu nhưng theo chuyên gia của ADB, đề xuất này vẫn chưa có tiến bộ rõ ràng.

Về tình trạng sở hữu chéo, chuyên gia ADB cho rằng, việc sở hữu chéo bản chất không phải là vấn đề xấu, vấn đề ở chỗ việc sở hữu chéo tại Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý quy định cụ thể, khiến việc này chưa được giám sát rõ ràng.

Cũng theo báo cáo của ADB, lãi suất tại Việt Nam đã được hạ dần, đảm bảo lãi suất tiền gửi Việt Nam đồng thực dương. Vốn đầu tư từ bên ngoài tăng và tỷ giá hối đoái ổn định cho phép các Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 2,4 tháng nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo ADB, hiệu quả của chính sách tiền tệ bị hạn chế bởi quy định trần lãi suất và bất ổn trong sức khỏe tài chính của các ngân hàng, khiến các ngân hàng thận trọng trong việc cho vay lẫn nhau. Chỉ đến khi thanh khoản của các ngân hàng yếu và nợ xấu của các ngân hàng cải thiện thì Chính phủ mới có thể dỡ bỏ được trần lãi suất.

Cũng lo ngại về vấn đề nợ xấu, báo cáo quý IV về các thị trường mới nổi của Barclay mới đây nhận định, với tốc độ tăng trưởng thấp trong nửa đầu năm 2012 và môi trường đầy thách thức bên ngoài, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể sẽ tăng thêm.

Với tình hình nợ xấu cao, Barclays tin rằng quá trình tài cấu trúc ngành ngân hàng có thể cần đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, dù quan ngại rủi ro từ ngành ngân hàng trong ngắn hạn, Barclay vẫn dự báo cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, và dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng đồng thời, cơ quan này giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2012 ở 4,8%.

Đáng chú ý, Barclay cho rằng, trong tương lai gần lãi suất cơ bản sẽ không thay đổi và Ngân hàng Nhà nước sẽ đảo chiều nới lỏng vào giữa năm 2013.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, tại hội thảo công bố Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Văn phòng Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Hà Nội tổ chức sáng 5/10, chuyên gia IMF cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu, việc giải quyết nợ xấu cần được ưu tiên hàng đầu.

Theo vị chuyên gia này, hiện nay IMF và ngân hàng Thế giới (WB) đã có những thảo luận tích cực với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về xử lý nợ xấu, trong đó có đánh giá mức độ nợ xấu trầm trọng ở mức nào và nợ xấu đang tập trung nhiều ở khu vực doanh nghiệp nào.

Việc giải quyết nợ xấu cần thực hiện lâu dài, từ từ và thận trọng. Việt Nam không nên vội vàng trong các quyết định, nhưng khi đưa ra các quyết định thì cần minh bạch, chuyên gia IMF cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của JPMorgan tại Singapore cũng cho rằng, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã ổn định hơn nhiều so với cách đây 18 tháng nhưng nền kinh tế vẫn tồn tại điểm yếu. Giai đoạn tới, Việt Nam sẽ mất khoảng vài năm để tái cấu trúc ngân hàng và cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước.

Theo vị này, nếu không thể củng cố hệ thống ngân hàng, Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong 5-10 năm nữa.

Một số thông tin nổi bật khác

Chính phủ yêu cầu xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém trong 2013

Thông tin trên được đưa ra trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9.

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, phối hợp với chính sách tài khóa để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay cho sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại.

NHNN cũng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Tăng cường dự trữ ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tỷ giá phù hợp với tín hiệu thị trường... Đồng thời, có cơ chế, biện pháp để tăng cường kỷ cương trong lĩnh vực ngân hàng.


Theo công bố của NHNN, hết quý II/2012, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư hơn 6,4 tỷ USD, gấp đôi mức thặng dư ước tính cả năm 2011.

Nguồn: NHNN/Gafin
Nguồn: NHNN

Bên cạnh số liệu về cán cân thanh toán, NHNN cũng công bố số liệu về tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đến hết tháng 8/2012.

Theo đó, tổng tài sản và vốn điều lệ toàn hệ thống tăng so với cuối 2011, lần lượt đạt hơn 5030,4 nghìn tỷ đồng và hơn 386,6 nghìn tỷ đồng.

Chỉ số ROA và ROE sau khi suy giảm trong tháng 5 đã tăng trở lại trong tháng 6,7 và 8, lần lượt ở mức 0,39% và 4,14% vào ngày 30/8.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống tiếp tục giữ ở mức trên 14%, cao hơn quy định được Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 9%.
Tiền gửi của doanh nghiệp tại ngân hàng tăng trưởng lần đầu trong 2012

Theo số liệu gần nhất mà Ngân hàng Nhà nước cập nhật cuối tuần qua, tính đến cuối tháng 7/2012, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng trở lại, với mức tăng 1,27% so với cuối năm 2011.

Đây cũng là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2012, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế mới có tăng trưởng dương.

Trong khi đó, cũng theo số liệu của NHNN, đến tháng 7/2012, tiền gửi của dân cư tại ngân hàng tăng 18,02% so cuối 2011.

Giá vàng tăng bất thường do thiếu nguồn cung

Tuần qua, giá vàng trong nước đã lên cao nhất 14 tháng, đạt 48,4 triệu đồng/lượng.

Một số ý kiến cho rằng, giá vàng tăng theo đà tăng của giá thế giới nhưng những người trong ngành vàng cho biết, việc thiếu nguồn cung khi các ngân hàng tăng cường gom vàng đang khiến giá vàng trong nước tăng bất thường.

Theo nguồn tin của TBKTSG, trong số hơn 300.000 lượng vàng phi SJC dập lại thành vàng SJC thì có tới 270.000 lượng là của các ngân hàng chuyển đổi từ thương hiệu này sang thương hiệu khác, do đó không làm tăng thanh khoản vàng ở các ngân hàng, không làm giảm đi lực mua từ phía các ngân hàng.

Liên quan đến việc huy động vàng trong dân, tại hội thảo tổ chức ngày 4/10 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, việc này là có lợi, góp phần tăng nguồn tiền phục vụ kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, NHNN nên huy động vàng bằng phát hành chứng chỉ hoặc phát hàng trái phiếu Chính phủ bằng vàng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại cho rằng, không nên vội huy động vàng trong dân nếu chưa xác định được huy động để làm gì, có sử dụng hiệu quả được nguồn vàng huy động hay không?

Nguồn Khampha/Tổng hợp


Sự kiện