Chủ Nhật | 02/12/2012 13:54

Tâm điểm tuần qua: Dự kiến hạ và áp trần lãi suất cho vay

Việc giảm, áp trần lãi suất cho vay đặt ra trong bối cảnh tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn tăng thấp, khoảng 4,15%, trong khi huy động vốn tăng cao.
Trong cuộc họp thường kỳ ngày 29/11 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh doanh và duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tạo đà cho 2013.

Đáng chú ý, trong thông cáo báo chí về phiên họp, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô; xem xét việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém, khắc phục tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống; thực hiện các giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu nhằm góp phần ổn định, bảo đảm an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng.

Về lãi suất, trong cuộc họp báo Chính phủ ngày 29/11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngay trong tháng 12 tới phải lên phương án điều hành cụ thể về lãi suất, xem xét quy định liên quan đến trần lãi suất huy động, lãi suất cơ bản.

Ngày 30/11, tại một cuộc hội thảo tại Hà Nội, ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết: "Tuần tới, Chính phủ sẽ họp bàn để điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm".

Theo ông Muôn, mức lãi suất huy động lý tưởng bây giờ là khoảng 7,5-8%, cộng thêm 2,5-3% chi phí thì cho ra lãi suất cho vay 10%. Mức lãi suất này sẽ hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trước đó, các chuyên gia cũng nhận định lãi suất chắc chắn sẽ phải giảm thêm. Còn theo giám đốc chi nhánh Hà Nội một ngân hàng thương mại cổ phần: “Ngân hàng chúng tôi đang thừa tiền, nên có giảm thêm lãi suất, chúng tôi cũng không ngại".

Việc giảm, áp trần lãi suất cho vay được đặt ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay vẫn ở mức thấp, theo công bố của Chính phủ là 4,15% đến 20/11/2012, trong khi tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng mạnh, ở 15,98%.

Một số thông tin nổi bật khác

Ngân hàng đang mua bán nợ xấu lẫn nhau

Theo lời Tiến sĩ Cấn Văn Lực tại Hội nghị “Ổn định tài chính khu vực Đông Á” ngày 27 - 28/11, hiện các ngân hàng đang mua bán nợ lẫn nhau trên sổ sách và khoản nợ xấu sẽ được đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán. Ngân hàng mua khoản nợ xấu có thể hạch toán vào mục khác, để không bị đánh giá là nợ xấu.

Theo ông Lực, với tỷ lệ nợ xấu nhỏ (dưới mức 3%) thì ngân hàng có thể tự xử lý, mua bán nợ. Còn nợ xấu lớn hơn, cần có công ty mua bán nợ quốc gia mới xử lý được.

Cũng liên quan đến việc xử lý nợ xấu, SGTT ngày 28/11 cho biết, các ngân hàng đang phát mãi , ký gửi cả khách sạn 3-4 sao, cao ốc văn phòng, biệt thự.... tại các sàn giao dịch bất động sản để giải quyết nợ xấu.

Theo giám đốc một sàn giao dịch bất động sản lớn tại TPHCM, những sản phẩm thế chấp của ngân hàng ký gửi có hai xu hướng về giá. Thứ nhất là những tài sản không bán được do trước đây ngân hàng định giá quá cao. Ví dụ, căn nhà A được ngân hàng định giá 10 tỷ đồng để cho vay 7 tỷ đồng, tuy nhiên hiện giá trị căn nhà chỉ khoảng 5 tỷ đồng. Xu hướng thứ hai là chủ nhà đồng ý bán lỗ do thị trường ế ẩm cũng rất nhiêu khê bởi nếu lỗ quá thì cũng không đủ tiền trả nợ cho ngân hàng.

Trong tuần, NHNN cũng có văn bản yêu cầu các ngân hàng đánh giá lại khả năng phát mại của tài sản đảm bảo, trích lập tối đa dự phòng rủi ro... Đồng thời, căn cứ tình hình kinh doanh và xử lý nợ xấu, NHNN yêu cầu các ngân hàng xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 ở mức hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu trong năm 2012....

Dự kiến tạm xuất tái nhập vàng phi SJC từ tháng 12

TBKTSG số ra mới đây dẫn nguồn tin từ giới ngân hàng cho biết, NHNN sẽ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng phi SJC tạm xuất vàng miếng phi SJC (bao gồm 8 nhãn mác khác nhau) và tái nhập vàng nguyên liệu đủ chuẩn bốn số chín. Số lượng vàng tạm xuất tái nhập có thể nằm trong khoảng 10-15 tấn và thời gian thực hiện dự kiến đầu tháng 12/2012.

Trước đó, vấn đề trên đã được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước với đại diện các ngân hàng và các công ty vàng bạc đá quý ngày 26/11/2012 tại Hà Nội.

Ngoài ra, để tránh thiệt hại cho người dân đang sở hữu vàng miếng phi SJC, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các doanh nghiệp mua vàng các nhãn mác khác với giá gần ngang bằng vàng SCJ, chỉ thấp hơn khoảng 50.000-100.000 đồng/lượng.

Cũng liên quan đến vàng, theo Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh, đã có 8 ngân hàng thương mại và 13 doanh nghiệp gửi hồ sơ đến NHNN để xin cấp phép kinh doanh vàng miếng.


Tại nghị quyết về phiên họp thứ tư, Quốc hội khóa 13 vừa qua, yêu cầu đặt ra là Ngân hàng Nhà nước phải “tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính gắn với thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, bảo đảm đến năm 2015 có một hệ thống ngân hàng lành mạnh”.

Có một điểm đáng chú ý: lần đầu tiên “công ty tài chính” có mặt trong hướng thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống. Điểm lại, kể từ tháng 10/2011, khi chiến lược đặt ra và cho đến nay, việc tái cơ cấu các công ty tài chính vẫn còn để ngỏ.

Giải thích việc thời gian qua chưa tái cơ cấu công ty tài chính, mới đây, một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vì các công ty tài chính hầu hết là quy mô nhỏ, các công ty mẹ có thể xử lý và ảnh hưởng đối với hệ thống không quá lớn; còn thời gian qua tái cơ cấu tập trung vào các ngân hàng thương mại.

Nguồn Khampha


Sự kiện