Chủ Nhật | 24/03/2013 09:19

Tâm điểm tuần qua: Công bố số liệu kinh tế vĩ mô quý I

Trong quý I, lạm phát cả nước là 6,64%, vốn FDI đăng ký bằng gần 40% cả năm 2012 và cả nước vẫn xuất siêu hơn 480 triệu USD.
Những ngày cuối tuần qua (tuần từ 18 - 23/3), Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê Hà Nội và TPHCM đã công bố một số chỉ số kinh tế vĩ mô chính của tháng 3 và quý I/2013.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, chỉ số giá tiêu dùng cả nước đã giảm 0,19%, tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2012.

So với cùng kỳ năm trước, CPI cả nước tháng 3 tăng 6,64% và tăng 2,39% so tháng 12/2012. Như vậy, cho đến nay, lạm phát cả nước là 6,64% vẫn đang thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra là thấp hơn 6,81%.

Cũng dựa theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính toán của chúng tôi cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 3 đăng ký vào Việt Nam tăng đột biến với 5,4 tỷ USD, đưa tổng vốn đăng ký quý I lên hơn 6 tỷ USD, tăng 63,3% so cùng kỳ 2012 và bằng hơn 37% tổng vốn đăng ký cả năm 2012.

Vốn FDI giải ngân quý I cũng đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2012, bằng 25,8% vốn giải ngân cả năm 2012. Vốn giải ngân tăng chủ yếu trong tháng 3, đạt khoảng 1,65 tỷ USD.

Một chỉ số vĩ mô đáng chú ý khác trong quý I là cả nước tiếp tục xuất siêu gần 480 triệu USD. Tuy nhiên, trong tháng 3, cả nước đã nhập siêu trở lại với mức 300 triệu USD.

Việc xuất siêu của cả nước trong quý I hoàn toàn do khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi khu vực này xuất siêu tới 3,11 tỷ USD trong quý.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội và TPHCM, CPI của 2 thành phố này trong tháng 3 giảm lần lượt 0,21% và 0,29%. Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GDP) của Hà Nội và TPHCM quý I ước tăng trưởng lần lượt 7,5% và 7,6%.

Trong quý này, TPHCM tiếp tục xuất siêu gần 1,32 tỷ USD, trong khi Hà Nội nhập siêu tới hơn 2,9 tỷ USD.

Một số thông tin nổi bật khác
World Bank cho Việt Nam vay 250 triệu USD để tái cơ cấu kinh tế

Khoản tín dụng này được ban giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới (World Bank) phê duyệt ngày 19/3 vừa qua.

Giữ nguyên thuế giá trị gia tăng

Tại phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng.

Chính phủ đề xuất giữ nguyên thuế suất 0% với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (trừ một số trường hợp cụ thể); thuế suất 5% đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu hoặc là đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuế suất 10% đối với hàng hoá, dịch vụ còn lại.

Uỷ ban Thường vụ đã đồng ý với đề xuất này. Ngoài ra, Uỷ ban đề nghị rà soát, thu hẹp diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%.
Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Cũng tại phiên họp thứ 16 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đã tán thành với đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Chính phủ.

Cụ thể, thuế suất chung sẽ giảm từ 25% hiện nay xuống còn 23%, riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp thuế suất 20%.
Nhật Bản cam kết cấp 2 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam
Khoản ODA này sẽ hỗ trợ toàn diện cho Chính phủ Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế và xã hội.

Các dự án nổi bật được sử dụng nguồn vốn trên là dự án cầu Nhật Tân; dự án xây đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1; cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải; nhà máy nhiệt điện Ô Môn....

Nguồn Khampha


Sự kiện