Chủ Nhật | 08/07/2012 16:25

Tâm điểm tuần qua: Công bố hàng loạt thông tin ngân hàng quan trọng

Tính đến hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 0,76%, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng 6,49% và tổng phương tiện thanh toán tăng 5,57%...
Trong tuần đầu tháng 7 (2/7 - 7/7), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố nhiều thông tin quan trọng.

Cụ thể, theo thông cáo báo chí về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và giải pháp trong 6 tháng cuối 2012, NHNN cho biết, tín dụng tăng trưởng 0,76% so cuối 2011. Nếu tính cả số dư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác, mức tăng trưởng khoảng 1,4%.

Trong khi đó, tính đến ngày 30/6/2012, huy động vốn tăng 6,49%, trong đó huy động vốn VND tăng 8,62%, ngoại tệ giảm 2,2%. Tổng phương tiện thanh toán chưa loại trừ giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành lẫn nhau tăng 5,57% so với cuối năm 2011.

Bên cạnh đó, theo NHNN, đến cuối tháng 5/2012, tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm 4,47% tổng dư nợ. Trong đó, 84% nợ xấu của hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp và tổng giá trị của các tài sản thế chấp này bằng 135% nợ xấu. Đến cuối tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng đã trích dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu được khoảng 67.000 tỷ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, tại hội nghị tổng kết công tác 6 tháng của ngành kế hoạch và đầu tư sáng 4/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đạt mức 10 tuần nhập khẩu và có thể đạt 12 tuần nhập khẩu vào cuối năm nay.

Theo Thủ tướng, cuối năm 2011, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tụt xuống còn 9 tỷ USD, nhưng đã tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm nay với mức tăng thêm là hơn 10 tỷ USD.

Một số thông tin quan trọng khác

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm từ 8-10%

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ thực hiện 5 giải pháp để điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Trong đó, đáng chú ý, NHNN sẽ điều hành lượng tiền cung ứng phù hợp với diễn biến của thị trường, đảm bảo kiềm chế lạm phát ở 6-8%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14-16%, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế trên 3 tỷ USD.

NHNN cũng sẽ theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, đặt mục tiêu  trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng 8-10%. Đồng thời, NHNN theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đảm bảo biến động tỷ giá không quá 2 - 3%.


Đây là yêu cầu của Thống đốc Nguyễn Văn Bình với các ngân hàng thương mại tại hội nghị toàn ngành ngân hàng sáng 7/7.

Tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chỉ đạo triển khai các nội dung cụ thể.

Yêu cầu các TCTD không gây đột biến lãi suất liên ngân hàng

Theo văn bản gửi các TCTD, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TCTD áp dụng lãi suất huy động và cho vay VND liên ngân hàng phù hợp với việc điều hành giảm mặt bằng lãi suất của NHNN.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng không được gây đột biến lãi suất trong các giao dịch liên ngân hàng (bao gồm cho vay và gửi tiền) trong thời gian từ nay tới khi Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực.


Thay vì trông chờ vào công ty mua bán nợ quốc gia, các ngân hàng sẽ phải khẩn trương xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro vốn có.

Đây là chủ trương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thay mặt Chính phủ thông báo tại hội nghị toàn ngành sáng 4/7.

Liên quan đến vấn đề này, ttại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết các ngân hàng không thể chờ đến khi có công ty mua bán nợ mới giải quyết nợ xấu, Chính phủ sẽ không dùng tiền mặt để giải quyết nợ xấu, tránh việc gây ra lạm phát mà sẽ sử dụng các công cụ tài chính phái sinh trên thị trường tiền tệ.
Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng lên tới 14,5%/năm

Theo SGTT, vẫn có một số ngân hàng thỏa thuận lãi suất huy động cao hơn 9%/năm kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng với khách hàng. Mức lãi suất huy động thực tế có nơi lên tới 14,5% tùy theo từng khoản tiền gửi.

Nguồn DVT/Tổng hợp


Sự kiện