Takashimaya Việt Nam: Dấu hỏi cho ngôi sao mới nổi
Takashimaya Việt Nam có tổng diện tích 15.000 m2 nằm trong dự án mở rộng của Saigon Centre ngay mặt tiền đường Lê Lợi, giao với nhiều con đường sầm uất ở trung tâm quận 1 TP.HCM. Dù có vị trí đắc địa nhất nhì thành phố nhưng chưa ai đoán trước được trung tâm thương mại này sẽ là điểm kinh doanh nhộn nhịp hay cũng rơi vào cảnh ảm đạm của các trung tâm thương mại trong 3 năm trở lại đây.
Theo thông tin từ Công ty, tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 210 nhãn hàng kinh doanh trên tổng diện tích 15.000 m2 (gồm 2 tầng hầm, 3 tầng nổi) và hơn 145 cửa hàng bán lẻ khác tập trung trên tổng diện tích 45.500 m2 (5 tầng nổi, 2 tầng hầm). Kể từ sau ngày khai trương vào cuối tháng 7, Takashimaya Việt Nam vẫn thu hút rất đông khách và thường gây kẹt xe cục bộ vào các dịp cuối tuần ở đoạn Lê Lợi giao với Pasteur và ngã ba Tôn Thất Thiệp với Pasteur.
Sau hơn 180 năm tồn tại, hiện Takashimaya Group có 17 trung tâm thương mại ở Nhật, 4 trung tâm tại Singapore, Thượng Hải, Đài Bắc và TP.HCM. Bên cạnh kinh doanh bán lẻ, Công ty còn kinh doanh, quản lý bất động sản, xây dựng và thiết kế. Theo báo cáo quý I/2016, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn đạt 192 tỉ yên, lợi nhuận đạt 3,3 tỉ yên. Đáng chú ý, do tác động của đồng yen tăng giá nên doanh thu của Công ty giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận lại tăng. Nhóm trung tâm thương mại đang ghi nhận những tín hiệu tốt dù thị trường đang có nhiều biến động. Điển hình, các trung tâm thương mại nội địa ghi nhận mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái ở bộ phận bán hàng miễn thuế.
Sự thành công này đến từ chiến lược tận dụng nhu cầu mua sắm đang lên ở thị trường trong nước bằng cách lắp đặt hệ thống thanh toán điện tử để tăng sự tiện ích, hợp tác với công ty du lịch trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, tăng cường bày bán các mặt hàng địa phương, tổ chức các sự kiện văn hóa lớn… Còn nhóm nước ngoài như Takashimaya Singapore có doanh thu cũng tăng khả quan nhờ vào việc tập trung đáp ứng nhu cầu khách hàng, cải thiện dịch vụ với khách du lịch nước ngoài, các chương trình kích cầu mua sắm qua thẻ tín dụng... Tương tự, Takashimaya Thượng Hải cũng tăng trưởng doanh thu tốt nhờ tăng cường các sản phẩm xuất xứ từ Nhật, tổ chức các sự kiện văn hóa lớn.
Quay trở lại Việt Nam, theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), thị trường bán lẻ trong nước có thể đạt 100 tỉ USD vào năm 2016. Bên cạnh đó, theo một báo cáo mới đây của Nielsen Việt Nam, tầng lớp trung lưu trong nước sẽ gấp 4 lần hiện tại, đạt con số 33 triệu người. Theo Tổng Cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, nhóm khách du lịch vào Việt Nam, đối tượng khách hàng chính của Takashimaya, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính năm 2016, Việt Nam sẽ đón 9 triệu khách du lịch, vượt kế hoạch 8,5 triệu khách đề ra trước đó.
Takashimaya mở rộng hoạt động tại Việt Nam nhằm tiếp cận các thị trường nước ngoài đang tăng trưởng nhanh. Ảnh: Sơn Phạm |
Do có nét tương đồng với thị trường Trung Quốc, nhiều khả năng Takashimaya Việt Nam sẽ áp dụng chiến lược đã khá thành công ở thị trường này là đẩy mạnh các sự kiện văn hóa của Nhật, kèm theo quảng bá và kinh doanh các sản phẩm có xuất xứ từ quốc gia này. Đầu tư hơn 25 triệu USD cho trung tâm tại Việt Nam, Takashimaya hy vọng gặt hái thành công từ thị trường bán lẻ tiềm năng của Việt Nam.
Nhưng thời điểm Takashimaya bước vào Việt Nam, thị trường vẫn còn nhớ đến sự hụt hơi của Parkson Việt Nam, một cái tên rất quen thuộc của mô hình trung tâm thương mại trong nước, đang bị lép vế trước các trung tâm thương mại phức hợp như Cresent Mall, AEON Mall, Vincom Mega Mall hay SC Vivo City… Nhóm trung tâm thương mại này với không gian rộng rãi, nhiều tiện ích tích hợp, giao thông thuận tiện… đã trực tiếp làm thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng trong thời gian qua. Kế đến là nguồn cung các trung tâm thương mại ở TP.HCM, nhất là ở các quận trung tâm, cũng không phải là hiếm. Điều này đặt Takashimaya vào thế phải cạnh tranh quyết liệt. Dù Parkson Việt Nam thất bại ở quận 7 nhưng các chi nhánh ở các quận trung tâm như Parkson Sài Gòn Tourist, Hùng Vương vẫn hoạt động khá ổn định. Đó là chưa kể các đối thủ khác như Vincom quận 1, NowZone ở quận 5 đang bao vây Takashimaya Việt Nam.
Dĩ nhiên việc nằm ngay vị trí đắc địa của tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên dự kiến sẽ đem lại cho Takashimaya Việt Nam một lượng lớn khách từ ngoại thành. Nhưng liệu nhóm này có khả năng tiêu thụ các món hàng xa xỉ từ Nhật hay không thì lại là chuyện khác. Mặt khác, sự khác biệt về văn hóa và ý thức của người mua sắm Việt Nam có thể ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm mua sắm của nhóm khách hàng trung lưu, khách du lịch của Takashimaya Việt Nam. Tình trạng xô bồ đã và đang diễn ra ở AEON Mall Tân Phú vào những ngày cuối tuần. Đó là chưa kể các tuyến Metro ở các quận chưa kết nối hoàn toàn với nhau nên việc kéo một lượng lớn khách vào khu vực trung tâm như các nước như Thái Lan, Malaysia… là chưa thể có ngay trong thời gian tới.
Trên thực tế, một lợi thế khác của các trung tâm thương mại đặt ở các vị trí đắc địa chính là khu vực kinh doanh ăn uống. Theo một cựu chuyên viên quản trị hệ thống thông tin ở Parkon Hùng Vương, nhóm khu vực ăn uống có doanh số rất tốt vào các ngày cuối tuần, lễ, Tết, chiếm từ 30-50% tổng doanh thu. Có thể Takashimaya sẽ tận dụng lợi thế này với sự hấp dẫn từ văn hóa ẩm thực Nhật. Nhưng trước rất nhiều khó khăn, người ta vẫn đặt câu hỏi, liệu Takashiyama Việt Nam sẽ thành công như các trung tâm ở Singapore, Trung Quốc hay đơn thuần chỉ là nơi trú nắng, trú mưa cho thanh thiếu niên Sài Gòn?
Đông Sang