Tại sao viễn thông Việt ra nước ngoài?
FPT vừa cho biết sau 3 năm kiên trì bám sát, tập đoàn này đã vượt qua những đối thủ khác để có được giấy phép đặt chân vào thị trường viễn thông Myanmar. Giống như tại Việt Nam, FPT sẽ tham gia thị trường Myanmar với tư cách nhà cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông, từ dịch vụ điện thoại cố định, cho thuê hạ tầng viễn thông đến các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên nền hạ tầng mạng như truyền hình qua Internet (IPTV), trò chơi trực tuyến, báo điện tử, thương mại điện tử, tên miền, lưu trữ website chuyên biệt (hosting)...
Bước đầu, theo ông Trương Gia Bình, Tổng Giám đốc FPT, “Công ty sẽ làm cáp quang, cung cấp băng thông rộng tới các thành phố lớn. Sau đó FPT sẽ triển khai một loạt các dịch vụ như truyền hình Internet, trò chơi trực tuyến, báo điện tử…”
Dù làm gì, theo ông Bình, ưu tiên của FPT vẫn là đầu tư hạ tầng viễn thông. Bởi hạ tầng viễn thông ở Myanmar hầu như chưa có gì. Đường truyền Internet tại đây chậm đến mức, trao đổi qua skype, gửi thư điện tử hay gửi - rút tiền trực tuyến... gần như nan giải. Trong khi đó, chi phí sử dụng dịch vụ Internet lại cao gấp hàng chục, thậm chí cả trăm lần so với Việt Nam.
FPT không tiết lộ số vốn mà Công ty dự định bỏ ra ở thị trường Myanmar. Tuy nhiên, với một thị trường còn sơ khai, nơi mà độ phủ Internet chỉ khoảng 5% trên 56 triệu dân, chi phí này sẽ không nhỏ. Ooredoo (Qatar) và Telenor (Nauy) đã dự tính chi ra hàng tỉ USD để xây tháp điện thoại di động và cơ sở hạ tầng viễn thông khác ở Myanmar, chưa kể các chiến dịch marketing.
Muốn làm nên chuyện tại Myanmar, FPT cũng phải bung tiền. Đó là chưa kể, ở các thị trường sơ khai, nhà đầu tư còn đối diện với một loạt rủi ro từ bất ổn chính trị, chính sách cấm vận, khả năng đổi mới nền kinh tế cho đến thủ tục hành chính, chính sách đất đai không rõ ràng, khó thuê nhân sự…
Thị trường đầy hấp dẫn
Nhưng vùng đất sơ khai này lại đầy tiềm năng. Những năm qua, Viettel, Mobifone, VNPT cũng đã nhòm ngó và có cuộc chạy đua ngấm ngầm vào thị trường viễn thông nước này. Cuối năm ngoái, trước khả năng trượt thầu, Viettel đã lên kế hoạch đi tắt vào thị trường Myanmar bằng cách góp 800 triệu USD vào hãng viễn thông quốc doanh Yatanarpon Teleport, hãng viễn thông thứ 4 được cấp phép ở Myanmar để lập liên doanh 1,8 tỉ USD. Hay Mobifone, VNPT đều đã lập văn phòng đại diện ở Myanmar.
Các hãng viễn thông quốc tế cũng đang bằng cách này hay cách khác góp mặt tại Myanmar. Chẳng hạn, KDDI Corp và Sumitomo Corp của Nhật đã tham gia vào liên doanh 2 tỉ USD với công ty dịch vụ viễn thông Myanmar MPT để thiết lập mạng di động riêng. Từ khi có sự hiện diện của 2 đối tác Nhật, MPT hoạt động hiệu quả hẳn, với nhiều chiến dịch marketing, xây dựng logo hiện đại và hạ phí dịch vụ xuống gần 40%. Những cải tiến này giúp MPT tăng gấp đôi lượng khách hàng, lên 11 triệu thuê bao chỉ trong vòng 6 tháng.
Ooredoo và Telenor cũng tạo được hàng triệu thuê bao sau gần 2 năm ồ ạt đổ vốn và tích cực hoạt động ở Myanmar. Nhưng vấn đề của Ooredoo và Telenor là các công ty không thể đẩy nhanh tiến độ xây các cột thu phát sóng do vướng mắc về đất đai và thủ tục hành chính. Trong khi đó, MPT có sẵn mạng lưới và lợi thế là doanh nghiệp trong nước nên tốc độ truyền dữ liệu di động của mạng MPT đã nhanh hơn các đối thủ.
Nói thế để thấy miếng bánh viễn thông ở Myanmar không dễ nuốt. Cuối năm ngoái, dù ghi nhận doanh thu 189 triệu USD ở Myanmar nhưng Ooredoo vẫn chưa có lãi. Trên thực tế, dù là đầu tư ở thị trường sơ khai hay tại các thị trường đã có người khai phá thì các hãng viễn thông vẫn phải dự trù trước khả năng chịu lỗ của mình.
Cuộc chơi dài hạn
Viettel đã vươn ra thị trường nước ngoài từ 9 năm trước, không chỉ đầu tư ở Đông Nam Á mà còn bôn ba sang tận châu Phi. Mặc dù vậy, theo thông tin từ Viettel, cho đến nay trong 7 thị trường đang vận hành gồm Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Đông Timor, Peru và Cameroon, mới chỉ 4 thị trường là Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique có lãi. Mức lãi ở nước ngoài của Viettet năm 2014 là 156 triệu USD trong tổng doanh thu 1,2 tỉ USD. Đáng chú ý, mức lãi này chiếm tới 56% tổng lợi nhuận mà Viettel đạt được kể từ khi đầu tư ra nước ngoài.
Viettel đã đợi 5 năm mới nhìn thấy đồng lời từ khoản đầu tư ở Campuchia. Con số này ở Lào và Haiti là 3 năm. Đặc biệt, tại Mozambique, Viettel đã có lời sau 6 tháng kinh doanh. Mozambique là thị trường đầu tư hiệu quả nhất của Viettel nhưng cũng là thị trường Công ty bỏ vốn đầu tư nhiều nhất, khoảng 400 triệu USD cho đến năm 2020. Viettel không chia sẻ tỉ trọng đóng góp của từng thị trường nhưng cho biết, Campuchia, Lào và Mozambique là 3 thị trường đóng góp chủ lực vào doanh thu nước ngoài hiện nay của Viettel.
Theo dự kiến, đến hết năm 2015 Viettel sẽ thu hồi 80% trong tổng số trên 600 triệu USD (khoảng 12.000 tỉ đồng) đã đầu tư ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn trên số liệu tài chính của Viettel Global - công ty phụ trách đầu tư ra nước ngoài của Viettel, tổng vốn đầu tư ở 8 thị trường (trừ Peru do Viettel trực tiếp đầu tư) lại nhiều hơn, đến 34.855 tỉ đồng (khoảng 1,7 tỉ USD). Trong đó, vốn do Viettel thu xếp là 28.241 tỉ đồng (khoảng 1,4 tỉ USD).
Giai đoạn 2015-2017, khi Viettel dự tính mở rộng thêm 8 thị trường nữa, vốn bình quân Viettel phải thu xếp là 25.636 tỉ đồng (1,25 tỉ USD). Hơn một nửa số vốn này dự kiến sẽ là vốn vay.
Viettel hay các công ty viễn thông khác khi vươn ra nước ngoài đều phải chi mạnh cho đầu tư. Nhưng trong một thị trường mới, đi cùng cơ hội là không ít cạnh tranh và rủi ro. Hiện nay, thế giới có 1.500 công ty viễn thông đang nắm giữ giấy phép, nhưng chỉ 500 công ty hoạt động có lãi. Mức lãi này cũng thường không cao. Bởi lẽ, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) ở các thị trường còn có thể chen chân lại khá thấp. Như ở Haiti, ARPU chỉ 2,5 USD/tháng. Trong khi đó, tại Mỹ, mỗi thuê bao mang lại cho nhà mạng 60 USD/tháng. Nhưng Mỹ và các nước phát triển đã không còn cấp giấy phép viễn thông cho nhà đầu tư. Vì thế, các công ty viễn thông lớn như Bharti Airtel, Zantel, Claro, O2, Vodafone, Telefonica, America Movil, Beeline, Singtel, Telecom Malaysia đành chen chân ở những thị trường kém hấp dẫn hơn.
Trên thực tế, đích ngắm của các công ty viễn thông lón là những thị trường có ARPU trên 10 USD/tháng. Thấp hơn mức này, họ không thể triển khai do chi phí đắt đỏ, thu hồi vốn chậm trong khi vốn đầu tư, công sức bỏ ra lại như nhau. Đó là lý do vì sao Singtel, Telecom Malaysia, Vodafone đã bỏ qua thị trường Haiti dù đã thử tiếp cận.
Viettel trái lại vẫn rót vốn vào Haiti cũng như không ngừng tìm kiếm cơ hội ở các thị trường khác còn vì những mục tiêu ngoài lợi nhuận. Trong một trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Viettel, cho biết Viettel muốn trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới vào năm 2020. Để làm được điều này, công ty dự kiến tăng cường sự hiện diện ở 25 quốc gia, làm sao để có được 600-800 triệu dân sử dụng dịch vụ của Viettel.
Mở rộng và bành trướng là bước đi cần thiết trong chiến lược toàn cầu hóa và các công ty không thể tính toán chi ly về tính hiệu quả ở từng thị trường. Cách thức phổ biến khi đầu tư ra nước ngoài là doanh nghiệp sẽ dùng lợi nhuận từ các thị trường khả quan để bù đắp cho những nơi làm ăn thua lỗ.
Ngọc Thủy