Thứ Năm | 21/02/2013 10:20

Tại sao VID liên tục tăng trần?

Cổ phiếu VID tính đến 21/2 đã có 4 phiên tăng trần liên tục, với dư mua trần hàng triệu cổ phiếu, bất chấp những phiên suy giảm chung của thị trường.
Mối quan tâm của thị trường thực sự quay lại với cổ phiếu VID của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông kể từ ngày 18/2, tức là phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ tết Quý Tỵ. Từ góc độ thanh khoản thì khối lượng giao dịch của VID không có gì đặc biệt. Mức giao dịch kỷ lục của VID trong 8 phiên gần nhất cũng chỉ là hơn 72.000 cổ phiếu trong ngày 18/2 và hai phiên sau đó duy trì dưới 10.000 cổ phiếu.

Sự quan tâm đặc biệt thể hiện ở khối lượng dư mua rất lớn của VID trong suốt 3 phiên trở lại đây. Ngoài việc giá cổ phiếu tăng trần, VID liên tục xuất hiện khối lượng dư mua giá trần trên 1 triệu cổ phiếu, tức là gấp nhiều lần mức thanh khoản trung bình của mã này.

Phiên ngày 19/2, VID đạt tổng khối lượng mua tới 4,58 triệu cổ phiếu, mức cao chưa từng có kể từ giữa năm 2010. Chỉ trong 4 phiên, VID tăng giá từ mức 3.400 đồng lên 4.200 đồng hôm nay, tương đương tăng trên 23,5%.

Tình trạng tăng giá nóng của VID khởi động ngay sau khi công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh tổng hợp quý IV/2012 vào ngày 8/2, tức là phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ. Cho đến hết quý III/2012, VID còn báo lỗ trong quý là 2,6 tỷ đồng và lỗ lũy kế từ đầu năm là gần 5,8 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu VID tăng mạnh trong 4 phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
Giá cổ phiếu VID tăng mạnh trong 4 phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.

Tuy nhiên thị trường đã phản ứng rất tích cực với báo cáo tài chính quý IV. Hoạt động kinh doanh thuần lãi 12,36 tỷ đồng trong quý IV, trong khi quý III còn lỗ 3,34 tỷ đồng. Hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính giúp giảm chi phí tài chính, các thu nhập khác cũng tăng lên giúp tổng lợi nhuận trước thuế riêng quý IV tăng lên, đạt 13,32 tỷ đồng. Kết quả quý IV giúp VID lãi 7,25 tỷ đồng cả năm 2012.

Trước đó, với kết quả kinh doanh kém ổn định trong 3 quý đầu năm, từ tháng 8 đến tháng 12/2012, giá cổ phiếu VID giảm xấp xỉ 47%, từ 4.500 đồng về 2.400 đồng.

Một trong những rủi ro VID vẫn đang phải đối mặt là khoản nợ ngắn hạn quan trọng nhất là 286,12 tỷ đồng vay ngân hàng tính đến thời điểm 31/12/2012. Năng lực trả nợ phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hồi nợ của VID với con số phải thu từ khách hàng là 257,1 tỷ đồng. Giá trị hàng hóa tồn kho của VID đến 31/12 cũng khoảng 40,84 tỷ đồng. VID đã trích dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đến cuối năm 2012 là gần 993 triệu đồng.

So với thời điểm đầu năm, gánh nợ phải trả trong thời hạn một năm của VID cũng đã giảm xuống hơn 21%. Theo đánh giá của công ty, mức độ tập trung rủi ro đối với việc trả nợ là thấp. Công ty có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn.

Mặt khác, công ty cho rằng chi phí lãi vay đang có xu hướng giảm nên áp lực nợ có thể cân đối được. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc nhiều vào triển vọng hoạt động năm 2013 và khả năng thu hồi nợ vì tài sản ngắn hạn của VID tập trung quá lớn vào các khoản phải thu, trong khi tiền mặt gửi ngân hàng không nhiều (7,13 tỷ đồng).

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2012 của VID cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đã quay lại con số dương với 121,5 tỷ đồng, trong khi năm 2011 là -18,15 tỷ đồng. Với những hoạt động vay nợ, đầu tư mua sắm phát sinh trong năm 2012, dòng tiền từ hoạt động chính vẫn đủ tài trợ

Thu hẹp hoạt động là điểm dễ nhận thấy nhất trong sản xuất kinh doanh chính của VID năm 2012. Ngay trong quý IV/2012, quý mà VID đạt lợi nhuận tốt nhất và đảo ngược tình thế lỗ thành lãi, doanh thu cũng giảm khoảng 24% so với cùng kỳ 2011. Tính chung cả năm 2012, doanh thu của VID giảm gần 38% so với năm 2011. Bù lại, công ty đã tiết giảm được đáng kể chi phí tài chính (nhờ lãi suất vay giảm), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Một trong những thông tin mới nhất liên quan đến VID là trong tháng 2 này, công ty sẽ xem xét việc chuyển nhượng một phần tài sản chi nhánh Bình Dương để thực hiện việc liên doanh liên kết, góp vốn đầu tư với đối tác tiềm năng trong hoặc ngoài nước. Việc lấy ý kiến đã chốt từ tháng 1/2013.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện