Thứ Sáu | 16/05/2014 16:53

Tại sao tỷ giá bất ngờ tăng nóng?

Nhu cầu mua tăng cục bộ trong khi nguồn cung bất ngờ giảm khiến các ngân hàng theo nhau tăng giá bán đôla hai ngày qua.
Xu hướng tăng giá bán đôla được các ngân hàng duy trì từ sáng qua. So với ngày 14/5, giá ngân hàng niêm yết bán ra hôm nay đã tăng 55-60 đồng. Đến trưa nay, Vietcombank vẫn giữ mức cao, chào bán 21.175 đồng; Eximbank thậm chí còn chào 21.190 đồng một đôla.

So với niêm yết, giá mua bán thực tế trên liên ngân hàng đến cuối giờ trưa ngày 16/5 thấp hơn đôi chút, quanh 21.150-21.160 đồng. Trao đổi với VnExpress, trưởng phòng kinh doanh trái phiếu, ngoại hối của một ngân hàng cho biết cung cầu ngoại tệ trên thị trường đang mất cân bằng, trái ngược với chuỗi ngày ổn định kéo dài trước đây. "Nói chung, thanh khoản không được tốt như trước. Bên bán giảm cung, bên mua thì tăng lên", ông nói.

Vị này lý giải tỷ giá tăng do suy giảm nguồn ngoại tệ bán ra từ các nhà sản xuất, doanh nghiệp FDI sau các sự cố gần đây. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động sau khi các công nhân đình công, biểu tình tại một số khu công nghiệp trọng điểm ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Thái Bình... Trong khi đó, đây lại là khu vực mang lại nguồn cung ngoại tệ lớn trên thị trường.

Không chỉ vậy, tỷ giá tăng cũng có thể đến từ động thái phòng ngừa rủi ro của các ngân hàng. Trước đây, tỷ giá ổn định suốt một thời gian dài, không ít nhà băng duy trì trạng thái ngoại tệ âm. Họ mạnh tay bán ra ngoại tệ, đổi lấy tiền đồng cho vay nhằm hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất USD-VND. Nay trước những diễn biến bất thường, các ngân hàng cũng muốn giảm thiểu rủi ro nên mua vào ngoại tệ. “Nhu cầu mua vào bất thường này có thể khiến cung cầu mất cân đối tạm thời", đại diện phòng kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng phân tích.

Ở thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ cũng liên tục tăng giá bán, có nơi điều chỉnh hơn 100 đồng so với ngày 15/5. Đến trưa 16/5, giá mua bán đôla chợ đen giao dịch vẫn quanh 21.250 - 21.350 đồng. Lý giải về việc này, một chuyên gia tài chính có thâm niên trong lĩnh vực ngoại tệ cho rằng thị trường tự do đang bị tác động bởi yếu tố tâm lý của người dân trước những căng thẳng chính trị, xã hội gần đây.

Cán bộ kinh doanh ngoại tệ của một ngân hàng cũng nhìn nhận, những diễn biến này khiến người dân có tâm lý tìm đến các loại tài sản khác nhau để làm nơi trú ẩn nên việc tỷ giá tăng cũng dễ hiểu. "Tuy nhiên, quy mô của thị trường tự do hiện đã bị thu hẹp rất nhiều so với trước đây. Do đó, những biến động này chưa gây ảnh hưởng quá lớn", người này cho biết.

Với mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng chính thức của Ngân hàng Nhà nước là 21.036 đồng hiện nay, các ngân hàng được phép áp mức mua bán không quá 21.246 đồng. Như vậy, mặc dù đôla ở cả hai thị trường chính thức tăng rất mạnh trong 2 ngày nay nhưng vẫn còn cách nhiều so với mức trần cho phép. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây chưa phải thời điểm Ngân hàng Nhà nước tính tới việc điều chỉnh tỷ giá.

Vị chuyên gia hiện là lãnh đạo của một ủy ban về kinh tế cho rằng đây chưa phải dấu hiệu cho thấy tỷ giá sẽ điều chỉnh. Ông giải thích: "Dự trữ ngoại hối hiện đang dư thừa, cần thì có thể can thiệp bất cứ lúc nào. Hơn nữa, đây là lúc mọi động thái trong nước cần tạo ra một sự ổn định nên theo tôi, nhà điều hành không nên điều chỉnh mạnh lúc này vì có thể 1, 2 tuần nữa sẽ trở lại ổn định".

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra thông điệp hay tín hiệu gì về điều chỉnh tỷ giá. Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước hôm nay vẫn niêm yết giá mua bán ở 21.100 - 21.246 đồng.

Tháng trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã công bố dự trữ ngoại hối Việt Nam hiện nay đạt kỷ lục khoảng 35 tỷ USD. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã có thời điểm bán ra ngoại tệ để can thiệp thị trường, ổn định tỷ giá khi đôla ngân hàng và chợ đen vọt mạnh.

Tỷ giá, theo cam kết mới nhất cuối tháng 4 của ông Nguyễn Văn Bình, sẽ điều chỉnh không quá 1% từ nay đến cuối năm. Trước đó, "room" ông Bình từng chia sẻ với báo chí là điều chỉnh tăng hoặc giảm không quá 2% trong cả năm 2014.

Nguồn VnExpress


Sự kiện