Thứ Sáu | 22/06/2012 11:50

Tại sao Trung Quốc kiểm soát chặt đất hiếm?

Trung Quốc lần đầu tiên công bố Sách Trắng với tựa đề "Thực trạng và chính sách ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc" vào ngày 20/6.
Đất hiếm được xếp vào nhóm 17 thành phần hóa học rất quý gồm có scandium, yttrium và lanthanide là thành phần cốt lõi trong công nghiệp sản xuất các sản phẩm sạch như: xe ôtô tiêu thụ khí hydro, turbin gió, điện thoại di động, máy vi tính, tên lửa hành trình và bom thông minh... Có thể nói đất hiếm là chất không thể thiếu đối với các ngành công nghiệp công nghệ cao và các công nghệ mới.

Theo nguồn tin từ Trung Quốc, việc công bố Sách Trắng là nhằm để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về ngành công nghiệp này cũng như các chính sách liên quan do Chính phủ Trung Quốc ban hành. Sách Trắng cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng cường quản lý một cách khoa học và cung cấp sản phẩm đất hiếm cho thế giới.

Tuy nhiên, do việc khai thác đất hiếm đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Do đó, theo Sách Trắng, để kiểm soát những nguy cơ như vậy cũng như bảo về nguồn tài nguyên không thể tái tạo này, Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt chính sách như bảo vệ các mỏ đất hiếm, giảm hạn ngạch xuất khẩu, giới hạn chất thải ô nhiễm ở mức cho phép và tăng thuế đối với tài nguyên này.

Sách Trắng cho rằng những chính sách trên của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối của một số nước tiêu thụ đất hiếm lớn trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Cũng trong văn kiện này, Trung Quốc bày tỏ hy vọng các nước khác cũng sẽ tích cực phát triển nguồn tài nguyên đất hiếm trong nước, cũng như mở rộng và đa dạng hóa nguồn cung cấp quặng đất hiếm cho thị trường thế giới.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến lược hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc làm tăng giá mặt hàng này trên toàn cầu và buộc các công ty nước ngoài phải mở cơ sở ở đây để có thể tiếp cận nguồn nguyên liệu.

Trước thời kỳ năm 1986, sản lượng đất hiếm của Mỹ đứng đầu thế giới, Pháp đứng thứ hai. Nhưng đất hiếm của Trung Quốc với số lượng khổng lồ và giá rẻ cạnh tranh hơn rất nhiều, đã khiến cho các nước phát triển đóng cửa các mỏ quặng của họ. Trung Quốc hiện gần như "một mình một sân" chiếm lĩnh thị trường đất hiếm, khi đã cung cấp 97% khoáng sản này cho thị trường thế giới trong năm 2009.

Thêm vào đó, Trung Quốc không chỉ kiểm soát việc khai thác và tinh chế đất hiếm, mà còn dẫn đầu trong việc luyện kim loại đất hiếm thành hợp kim và thậm chí còn sản xuất các linh kiện và bộ phận cảm ứng từ chiếm 80% tổng sản phẩm của thế giới.

Báo cáo của Quốc hội Mỹ cho biết, nhu cầu mua các thành phần của đất hiếm trên thế giới có thể tăng lên mức 180.000 tấn/năm vào cuối năm 2012 và lên tới 200.000 tấn/năm vào 2014. Trong khi đó, sản lượng của Trung Quốc chỉ có thể đạt 160.000 tấn/năm. Điều này có thể dẫn tới mức thiếu hụt khoảng 40.000 tấn vào năm 2014.

Một lý do khác, theo các chuyên gia phân tích, đất hiếm cũng là quân bài nặng ký của Trung Quốc để đàm phán với thế giới. Tháng 9/2010, một bài báo trên tờ China Business Times đã khẳng định đất hiếm là “lá bài cực mạnh mà Trung Quốc có thể dùng trong các cuộc đàm phán tương lai với thế giới”. Hai thập niên trước, ông Đặng Tiểu Bình từng tuyên bố “Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm”.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện