
Xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỉ USD vào năm 2002 lên 524 tỉ USD vào năm 2020.
Tại sao sáng tạo lên ngôi số 1?
Sáng tạo đang lên ngôi trên khắp thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), xuất khẩu hàng hóa sáng tạo thế giới tăng từ 208 tỉ USD vào năm 2002 lên 524 tỉ USD vào năm 2020. Từ năm 2007 đến nay, châu Á vẫn là khu vực xuất khẩu lớn nhất. Riêng Trung Quốc đạt 169 tỉ USD và chiếm 32% tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo toàn cầu. Trong gần 20 năm qua, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa sáng tạo chuyển dịch rõ rệt, giảm các loại hình lưu trữ thông tin như đĩa CD, DVD, băng, báo và các tài liệu in sang tăng mạnh phương tiện truyền thông ghi âm và trò chơi điện tử. Các nước phát triển thống trị xuất khẩu xuất bản, nghệ thuật thị giác và nghe nhìn, trong khi các nước đang phát triển thống trị xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.
Hai trường đại học danh tiếng Cornell và INSEAD cùng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố báo cáo về Chỉ số sáng tạo (Global Innovation Index) của các quốc gia trên toàn cầu. Báo cáo này đã khảo sát mức độ sáng tạo của hơn 140 nước và đánh giá dựa trên 79 tiêu chí khác nhau. Kết quả không quá bất ngờ khi các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, Đức, Thụy Sĩ, Canada... vẫn đứng đầu danh sách. Việt Nam nằm trong nhóm trung bình thấp với gần 40/100 điểm, xếp trên Ấn Độ và nhiều nước châu Phi, Trung Đông nhưng vẫn thua xa các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore...
![]() |
Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những thách thức chúng ta đối mặt đòi hỏi các giải pháp sáng tạo hơn. Kỷ nguyên số là thời kỳ biến đổi nhanh chóng, được định hình bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông và internet. Sự xuất hiện của các nền tảng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (A.I), công nghệ di động và internet vạn vật (IoT) đã tạo ra thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực và cũng trở thành động lực lớn cho những sáng tạo bùng nổ. Trong bối cảnh này, sáng tạo trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của quốc gia cũng như doanh nghiệp. Các nhà đầu tư lớn nước ngoài nhìn nhận Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư sản xuất mà còn giúp họ hiện thực hóa chiến lược nghiên cứu và phát triển những lĩnh vực mới. Càng đổi mới sáng tạo, Việt Nam càng thu hút được thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao đến với mình.
Vấn đề được đặt ra khi tại Việt Nam, doanh nghiệp vẫn chưa chú ý nhiều đến sáng chế, giải pháp hữu ích, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh toàn cầu như FPT, VinFast... Chúng ta còn tư tưởng xem nhẹ tài sản vô hình hơn những thứ sờ thấy được như bất động sản, máy móc thiết bị. Văn hóa sáng tạo, sáng kiến bị xem nhẹ hơn các giải pháp tăng doanh số, tăng lợi nhuận, viral marketing... Nhưng nếu không có sáng tạo thì làm sao tạo ra đột phá cho các giải pháp này? Làm sao vượt lên các đối thủ cạnh tranh nước ngoài bằng nguồn lực sẵn có?
![]() |
Chúng tôi có vài gợi ý từ chính kinh nghiệm quản lý kinh doanh của mình để thúc đẩy năng lực sáng tạo.
Dám nhận KPI đột phá để tạo ra giải pháp đột nóc. Tại nhiều doanh nghiệp, vẫn phổ biến văn hóa nhận lệnh chỉ tiêu từ các sếp, mà chưa có nhiều điển hình về văn hóa dám nhận chỉ tiêu, đưa ra giải pháp và quản trị rủi ro. Những câu chuyện thường nghe là khi nhân viên trình bày giải pháp mới, sếp chỉ muốn nhìn điểm tích cực trước khi muốn đánh giá rủi ro bằng các câu hỏi lối mòn: Cái này có ai làm chưa? Có mới quá không?...
Thế là doanh nghiệp mãi mãi không có sáng kiến. Trong khi đó, tại quốc gia khởi nghiệp Israel, doanh nghiệp có tư duy làm những gì thế giới chưa làm, hoặc cái gì thế giới làm rồi sẽ làm tốt hơn. Ví dụ như công nghệ tưới nước nhỏ giọt, mỹ phẩm từ Biển Chết...
Đào tạo các nhà sáng chế và sáng tạo tầm giáo dục quốc gia. Các bậc trước đại học nên có ngành sáng tạo và khởi nghiệp. Đặc biệt công nghệ dạy làm sao sinh viên biết sáng tạo. Tại sao chúng ta có Shark Tank gọi vốn mà không có Shark-innovation sáng chế để có nhiều giải pháp hữu ích cho các bài toán kinh tế, xã hội...
Mở rộng các sàn giao dịch sáng chế. TP.HCM đang nghiên cứu mô hình sàn giao dịch vốn sơ cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm huy động vốn từ các nhà đầu tư cho startup ở giai đoạn đầu, tức giai đoạn hạt giống... Chúng tôi cùng các đối tác cũng đang phát triển sàn giao dịch như vậy nhưng ở mô hình kết nối nhu cầu và giải pháp dành cho doanh nghiệp.
4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trên 200 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo... đang hình thành một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững tại Việt Nam.
Có thể thấy, nếu giữ tư tưởng ‘’copy’’ và đợi người khác làm, thì chúng ta sẽ mãi mãi là người đến sau. Nếu bỏ qua chuyến tàu tri thức, nền kinh tế tri thức với các trào lưu công nghệ bùng nổ, chúng ta sẽ mãi mãi là người tụt hậu.