Tại sao nhiều cổ phiếu tốt rời sàn?
Cuộc phiêu lưu hơn 13 năm trên sàn chứng khoán của Công ty Cổ phần Beton 6 ( BT6) sắp đến hồi chấm dứt. Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, cổ đông của BT6 đã chính thức thông qua một quyết định quan trọng trong lịch sử phát triển Công ty, đó là hủy niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Trường hợp của Beton 6 không phải là số ít. Kể từ đầu năm đến nay, tính trên cả 2 sàn, đã có 25 cổ phiếu hủy niêm yết. Phần lớn trong số đó là rời sàn bắt buộc do không đủ điều kiện niêm yết, chẳng hạn như kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, vi phạm về công bố thông tin hay có vấn đề về kiểm toán. Beton 6 không nằm trong số này. Dù có trục trặc trong hoạt động kinh doanh trong vài năm trở lại đây, nhưng kết quả kinh doanh cuối năm vẫn là con số dương đáng kể.
Tất nhiên, chuyện một công ty hủy niêm yết vì lý do riêng không phải là hiếm. Chỉ có điều, trong năm nay, số công ty hủy niêm yết tự nguyện có vẻ tăng lên đột biến.
Lịch sử thị trường chứng khoán chứng kiến khá nhiều trường hợp cổ phiếu hủy niêm yết tự nguyện. Mỗi một trường hợp đều đặc biệt và tốn nhiều giấy mực của báo giới. Từ năm 2013 trở về trước, những trường hợp hủy niêm yết tự nguyện đáng chú ý có thể kể đến Công ty Dược phẩm Mekophar, Tribeco, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế, Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng. Trong năm 2014, nổi bật nhất là trường hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam.
Trong khi đó, từ đầu năm 2015 cho đến nay, đã có 3 cổ phiếu tự nguyện rời sàn là Công ty Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn (SBC), Công ty Cổ phần Ngô Han (NHW) và Thủy sản Minh Phú. Ngoài Beton 6 sắp sửa rời sàn, danh sách này sẽ còn dài ra với sự góp mặt của Công ty Cổ phần Thế kỷ 21 (C21) và Công ty Cổ phần Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF).
Liệu có điểm chung nào cho những câu chuyện rời sàn này? Phải chăng thị trường chứng khoán đã không còn hấp dẫn? Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, chuyện rời sàn của những công ty này khó có thể dẫn đến kết luận rằng sàn chứng khoán không còn hấp dẫn. “Điểm chung duy nhất là các công ty đều có những mục đích riêng”, ông Lân nói.
Đối với những công ty này, niêm yết không phải lúc nào cũng có tác dụng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh, thậm chí trong một số thời điểm lại bộc lộ hạn chế hơn so với khi chưa niêm yết. Mỗi công ty rời sàn dù là câu chuyện riêng, nhưng tựu chung lại có thể chia làm 2 trường hợp. Một là rời sàn nhằm gọi vốn kinh doanh. Hai là rời sàn vì việc niêm yết chưa mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ở trường hợp đầu tiên, câu chuyện mới nhất là Thủy sản Minh Phú. Vị thế của “vua tôm” cho phép ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thủy sản Minh Phú, vẫn có thể gọi thêm vốn mà không cần phải nhờ đến thị trường chứng khoán. Minh Phú dự kiến sẽ phát hành thêm 2.500 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, cũng như phát hành cổ phần riêng lẻ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chuyện hủy niêm yết chính là một phần trong kế hoạch gọi vốn.
Còn với trường hợp của Beton 6, công ty này có kế hoạch dài hạn hơn là huy động tới hơn 400 tỉ đồng cho mục tiêu đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong giai đoạn 2015-2016. Trước câu hỏi về việc liệu Beton 6 có gặp khó khăn trong việc huy động vốn sau khi rời sàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Beton 6, vẫn tỏ ra khá tự tin. Ông cho biết Beton 6 có thể vay ngân hàng hoặc phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu.
Câu chuyện của Beton 6 sẽ dễ hiểu hơn nếu nhìn vào Descon, một doanh nghiệp có cùng cổ đông lớn với Beton 6. Sau khi được mua lại, Descon đã tiến hành hủy niêm yết từ năm 2011 để tập trung kinh doanh. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao Beton 6 cũng không mặn mà với chuyện huy động vốn qua sàn, khi đằng sau đã có một cổ đông dày vốn “chống lưng”.
Rõ ràng, với những doanh nghiệp có khả năng huy động vốn ở bên ngoài, chuyện họ rời sàn là điều dễ hiểu. Đây cũng là một cách thức để những công ty “lách” những quy định phức tạp của thị trường chứng khoán, bởi muốn bán, phát hành thêm cổ phần với số lượng lớn, thủ tục quy định nhiều khi không đơn giản. “Các công ty này muốn tự chủ trong vấn đề huy động vốn, theo cách thức doanh nghiệp muốn”, phòng phân tích của Công ty Chứng khoán Thiên Việt nhận định.
Ở một số trường hợp khác, việc rời sàn cũng góp phần làm giảm những chi phí không cần thiết trong khi việc niêm yết lại chưa cho thấy hiệu quả. Như trường hợp của Công ty Thế kỷ 21. Trong Đại hội cổ đông vừa qua, ban lãnh đạo của công ty này cho biết việc niêm yết không giúp Công ty huy động thêm vốn thông qua phương án phát hành cổ phiếu trên sàn, trong khi cổ phiếu gần như không có thanh khoản và mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách.
Bên cạnh chuyện không huy động được vốn, việc rời sàn còn mang lại một lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Đó là tránh được việc bị “săm soi” như khi niêm yết trên sàn. Alphanam là một ví dụ. Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Alphanam, cho biết mục tiêu của ông khi đưa Alphanam trở về mô hình công ty gia đình là phục vụ cho chuyện tái cấu trúc những công ty đã tiến hành M&A (phần lớn là những công ty thua lỗ) và chuẩn bị M&A những công ty tiếp theo mà không phải công bố thông tin. Alphanam đã có quyết định rời sàn năm 2012 thông qua Nghị quyết vào năm 2013 và chính thức rời sàn vào cuối năm ngoái. Khi rời sàn, theo ông Hải, Alphanam sẽ không còn chịu áp lực trong ngắn hạn, nhất là với những khoản lỗ khi hợp nhất các công ty đã M&A vào công ty mẹ.
Việc một doanh nghiệp hủy niêm yết là lựa chọn riêng của họ. Nhưng câu chuyện tiếp theo đáng quan tâm hơn là những công ty này sau khi rời sàn sẽ như thế nào. Các cổ đông lớn sẽ là người tập hợp lại cổ phần của những cổ đông nhỏ lẻ. Nếu còn là công ty đại chúng, theo quy định, công ty này sẽ tiếp tục niêm yết trên sàn UPCoM, nếu không sẽ trở lại thành mô hình công ty tư nhân. Dưới mô hình mới, các công ty này sẽ bắt đầu cuộc phiêu lưu mới.
Nhiều doanh nghiệp trong đó có Beton 6 và Thế kỷ 21 hứa hẹn sẽ trở lại sàn khi điều kiện thuận lợi. Nói cho cùng, các công ty muốn rời sàn là một bước lùi trong việc minh bạch hóa thông tin. Có những ngành, thông tin doanh nghiệp công khai là rất quan trọng. Chẳng hạn như với ngành ngân hàng, hiện Chính phủ cũng đang cố gắng thúc đẩy các tổ chức tín dụng niêm yết.
Hơn nữa, thị trường chứng khoán là một kênh gọi vốn trung và dài hạn. Lên sàn chính là để tăng khả năng gọi vốn. Những doanh nghiệp có năng lực vay vốn ngân hàng, hay có nhà đầu tư tư nhân đứng sau có lẽ không có nhu cầu vốn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, niêm yết vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả nếu công ty muốn mở rộng quy mô.
Thanh Phong