Tại sao ngân hàng vẫn dè dặt cho vay bất động sản?
Theo báo cáo mới đây của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ NHNN, trong năm 2013, có tới 86,7% tổ chức tín dụng (TCTD) dự kiến sẽ không tăng cấp tín dụng bất động sản; trong đó 41,33% TCTD sẽ dự kiến sẽ giảm cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.
Lý giải về vấn đề này, báo cáo vừa công bố của Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng cho rằng, đối với thị trường bất động sản, các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực này phần lớn sử dụng bất động sản là tài sản thế chấp. Khi thị trường xuống dốc, các ngân hàng đồng loạt siết nợ thì khách hàng buộc phải đẩy mạnh bán nhà đất khiến thị trường dư thừa nguồn cung.
Trong khi đó, cầu tăng chậm, thậm chí còn giảm khiến giá bất động sản liên tục giảm. Giá trị tài sản thế chấp theo đó cũng bị giảm mạnh, thậm chí xuống dưới mức giá được tính thế chấp khi vay, đồng thời ngân hàng cũng khó có thể bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
"Chính điều này càng khiến các ngân hàng hiện nay hết sức thận trọng trong cho vay các khách hàng có liên quan đến lĩnh vực bất động sản", báo cáo chỉ rõ.
Ngoài ra, cho vay kinh doanh bất động sản dù lãi suất cao nhưng không có dịch vụ cộng thêm, thời gian cho vay dài, tiềm ẩn rủi ro lớn trong khi các ngân hàng bị khống chế tỷ lệ tín dụng trung, dài hạn.
Theo Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng, những gì đang xảy ra hiện nay tại thị trường bất động sản Việt Nam khá tương đồng với Hà Lan trong giai đoạn xảy ra hiện tượng "căn bệnh Hà Lan - Dutch disease".
Sau khi phát hiện được nguồn dự trữ dầu khổng lồ vào những năm 1960, Hà Lan thu được nguồn lợi to lớn từ việc xuất khẩu tài nguyên này. Chính phủ Hà Lan đã tăng chi tiêu, đầu tư vào những lĩnh vực kém hiệu quả, sản xuất hàng hóa phi ngoại thương kém cạnh tranh, cùng với đó là giá bất động sản gia tăng chóng mặt. Tuy nhiên suy thoái bắt đầu tăng, giá bất động sản lao dốc và thị trường mất thanh khoản.
Đây cũng là triệu chứng của thị trường bất động sản hiện nay khi mà nguồn đầu tư xã hội trong nhiều năm không tập trung vào sản xuất mà chảy vào thị trường bất động sản, đẩy giá nhà đất tăng cao dẫn đến bong bóng giá.
"Cuộc suy thoái thị trường bất động sản Hà Lan cần tới 7 năm để khắc phục hoàn toàn, vì vậy cũng không thể kỳ vọng vào một sự hồi phục nhanh chóng của thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Xuất phát từ đặc điểm đó trong thời gian tới nguồn vốn tín dụng có thể vẫn còn thận trọng với lĩnh vực này", báo cáo cho biết.
Nguồn Dân Việt